Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Triển khai các giải pháp dạy tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số


Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã liên tiếp tổ chức hai cuộc hội thảo "Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học vùng miền núi-dân tộc tại hai khu vực vùng cao của tỉnh. Tại cả hai cuộc hội thảo, vấn đề dạy tiếng Việt lớp 1 cho học sinh là người dân tộc thiểu số đã được các đại biểu đề cập khá nhiều.

Lý do được bàn thảo nhiều là vì tiếng Việt chính là nền tảng chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số hiện gặp rất nhiều khó khăn: một chương trình, một bộ sách giáo khoa, một yêu cầu về kiến thức,... cho mọi đối tượng đã tạo nên sự bất hợp lý trầm trọng. Khá nhiều học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số chưa đạt được yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng môn Tiếng Việt, dẫn đến hệ quả là các em khó tiếp thu kiến thức các môn học khi lên lớp trên. Tiếng Việt thực sự là rào cản lớn nhất đối với việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh người dân tộc thiểu số!

Lớp 1 tại Tương Dương

Để phá vỡ rào cản này, từ kết quả của hai cuộc hội thảo, trong những ngày cuối tháng 2 năm 2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã triển khai tới các huyện miền núi, vùng cao các giải pháp dạy tiếng Việt lớp 1 cho học sinh người dân tộc thiểu số với ba nhóm giải pháp: tổ chức dạy học; đổi mới công tác quản lý và lựa chọn các đơn vị kiến thức dạy học.

Đối với việc tổ chức dạy học, các trường tiểu học phối hợp chặt chẽ với các trường mầm non trong việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi vào lớp 1, đặc biệt là giúp cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Việt thông qua các hoạt động học tập, giao tiếp, vui chơi,...; xây dựng môi trường học tập, giao tiếp bằng tiếng Việt cho học sinh ở nhà trường, cộng đồng và gia đình; thực hiện tăng thời lượng ở các bài học vần; khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động;...

Về đổi mới công tác quản lý, vấn đề được coi là trọng tâm, đó là quản lý dạy học theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; trên cơ sở chuẩn kiến thức, mạnh dạn điều chỉnh nội dung trong sách giáo khoa để phù hợp với trình độ học sinh, với thực tế nhà trường; giáo viên được quyền lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức dạy học; tăng cường tổ chức giao lưu dưới hình thức "Olympic tiếng Việt";.... Trong khi dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, giáo viên phải lựa chọn các đơn vị kiến thức để dạy cho học sinh, phải dạy những kỹ năng cốt lõi như đọc, viết, giao tiếp,...

Theo GD&TĐ