Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phải chấm dứt thưởng, phạt bằng điểm!


Không tính điểm kiểm tra học kỳ I đối với HS tiểu học dễ dẫn đến việc tạo áp lực ở học kỳ 2 - Ảnh: Đ.N.Thạch
Giáo viên vẫn có thói quen thưởng, phạt học sinh (HS) bằng điểm số bất chấp quy định về cách đánh giá, xếp loại mới.

Cho điểm kết hợp với nhận xét, đánh giá; hoặc không cho điểm, thay bằng nhận xét, động viên... là điều mà ngành giáo dục đang kêu gọi giáo viên thực hiện với mong muốn giảm áp lực học tập, giảm căng thẳng không cần thiết cho HS tiểu học.

Tuy nhiên, trên thực tế thì giáo viên vẫn quá quen với việc cho điểm mà không nhận xét gì cả. Lý giải về điều này, lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng: vì quy định cũ đã tồn tại quá lâu nên thành thói quen cố hữu của giáo viên.

"Cho điểm vu vơ"

"Thay vì cho HS điểm 9, 10 thì một số cô giáo đã tự tay làm những bông hoa (bằng giấy màu) rất đẹp để thưởng cho HS nào tiến bộ, chăm ngoan... Nhận được những bông hoa này, HS thích thú hơn nhiều".Bà Hoàng Thị Tần
Phó trưởng phòng Giáo dục quận Long Biên (Hà Nội)
Chị Minh Châu - có con học lớp 1 trường Tiểu học K.Đ (Hà Nội), kể: "Ngày nào con tôi cũng có ít nhất 3 điểm, gồm điểm đọc, điểm viết, điểm toán. Điều đáng nói là cô giáo chỉ chấm điểm mà không hề có bất cứ lời nhận xét nào bên cạnh điểm số ấy, khiến cho các cháu và cả phụ huynh đều không biết vì sao cháu được số điểm như vậy và cháu cần cố gắng ra sao".

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) gọi đó là việc "cho điểm vu vơ" - cho điểm mà không nhận xét là cách làm dễ nhất, nhanh nhất nhưng cũng có hại nhất đối với con trẻ.

Có một thực tế là vì bệnh thành tích hoặc quan niệm phải cho điểm cao để trẻ thích học, nhiều thầy cô giáo đã tỏ ra quá nhẹ tay với HS với lý do "khuyến khích tinh thần học tập". Nhưng chính những điểm khuyến khích ấy lại gây ra nhiều khó khăn cho phụ huynh trong việc giáo dục con cái.

Anh Minh - phụ huynh có con học trường Tiểu học L.Q.Đ (Hà Nội), cho biết không ít bài sai những lỗi căn bản nhưng cô giáo vẫn chấm điểm 10 đỏ chói. "Rất nguy hiểm khi thầy cô cứ cho điểm các cháu theo kiểu khuyến khích như thế. Mặc dù có một số cháu còn hơi đuối nhưng vì ở trường cô giáo cho điểm cao nên về nhà nhất định không chịu học thêm với lý do đã đạt 10 điểm rồi", anh Minh tâm sự.

Cái "tật" của giáo viên tiểu học
Chuyên gia tâm lý, PGS - TS Nguyễn Công Khanh (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Bố mẹ cần trao đổi với giáo viên của con khi thấy bé có biểu hiện mỗi buổi sáng không thích thú đến trường, sợ học. Thường trẻ sợ học vì không nhận được lời động viên, khuyến khích kịp thời từ thầy cô, bố mẹ và cảm thấy môi trường học tập xa lạ, khó hòa nhập... Nhiều trẻ khóc mếu vì không hoàn thành bài tập, sợ cô mắng nên không dám đi học. Ở lớp, trẻ viết xấu, tẩy xóa thì bị cô phạt, thậm chí bị đánh vào tay... cứ như vậy nên mỗi khi nghĩ đến việc viết bài là trẻ bắt đầu thấy sợ. Đã vậy, cô giáo còn chấm điểm kém và nhận xét rất nghiêm khắc làm trẻ càng thất vọng, không còn tin mình có khả năng. Do đó, để động viên và giúp trẻ tiến bộ, giáo viên và cha mẹ không nên chê bai trẻ. Đặc biệt giáo viên không nên nhận xét âm tính nhiều quá như: trẻ viết ẩu, viết láu, lười...; tránh cho trẻ điểm kém, đặc biệt là với môn tập viết vì như vậy chỉ càng khiến trẻ thiếu tự tin, không hứng thú học tập.

Bà Hoàng Thị Tần - Phó trưởng phòng Giáo dục quận Long Biên (Hà Nội) cũng thẳng thắn nói: Cái "tật" của giáo viên tiểu học lâu nay là thường lấy điểm số để thưởng hoặc phạt HS, trong khi có rất nhiều cách để động viên, khuyến khích hoặc nhắc nhở HS cố gắng. "Ở một số trường tiểu học trong quận Long Biên, thay vì cho HS điểm 9, 10 thì một số cô giáo đã tự tay làm những bông hoa (bằng giấy màu) rất đẹp để thưởng cho HS nào tiến bộ, chăm ngoan... Nhận được những bông hoa này, HS thích thú hơn nhiều" - bà Tần nói.

Nên bãi bỏ việc tính điểm
Mục tiêu của giáo dục tiểu học là dạy HS những kỹ năng cơ bản sao cho các em biết đọc, biết viết, biết tính toán... Do vậy việc cho điểm chỉ là kỹ thuật mà thôi. Bên cạnh đó, HS tiểu học còn quá nhỏ để biết thế nào là thành tích, cho nên việc đánh giá bằng nhận xét là hợp lý. Tuy nhiên việc đánh giá phải đảm bảo 2 mức độ, đó là biết HS có đạt yêu cầu hay không và biết các em dừng lại ở mức độ nào để kịp thời bổ trợ.

Vì là quy định mới nên chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nhau và nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ. Vì thế, nên chăng trên lớp giáo viên vẫn cho các em làm bài kiểm tra nhỏ nhưng không thông báo kết quả để có thể theo dõi được khả năng nhận thức của các em.

Quy định của Bộ GD - ĐT như vậy là phù hợp ở thời điểm hiện tại. Nhưng hiện nay, nền giáo dục các nước trên thế giới đã và đang theo xu thế thực hiện việc đánh giá bằng chữ, vì vậy trong thời gian tới, Bộ nên bãi bỏ cả việc tính điểm số đối với HS tiểu học. Và để chủ trương này thành công, Bộ cần xây dựng kế hoạch chi tiết và cụ thể để tập huấn cho giáo viên một cách kỹ lưỡng nhất. Cụ thể tập huấn sao cho giáo viên miêu tả được các khái niệm, cấp độ để nhận xét phù hợp cho HS. Đây là hướng tích cực trong phát triển giáo dục tiểu học nói riêng, nên Bộ cần phải chủ động trong quá trình đổi mới.
TS Nguyễn Kim Dung
(Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM)

Đánh giá bằng nhận xét là phù hợp nhất
Những năm học trước, đã có một số môn giáo viên đánh giá kết quả học tập của HS bằng nhận xét. Thực tế cho thấy giáo viên vẫn còn chút lúng túng vì phải kiểm tra, quan tâm sát sao hơn thì mới nhận xét chính xác từng HS. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần phải đầu tư và chú trọng vào nhận xét của mình để làm sao nêu bật được quá trình học tập và phấn đấu của HS. Tuy nhiên, giáo viên lại có quyền chủ động hơn vì nếu HS được giáo viên đánh giá tốt trong suốt quá trình học tập, nhưng kết quả bài kiểm tra kém thì được đề xuất kiểm tra lại. Thật ra ở bậc tiểu học, yêu cầu trình độ HS chỉ dừng ở mức độ nhận thức, hiểu biết những kiến thức cơ bản nên chúng ta chỉ cần đánh giá kết quả học tập của HS bằng nhận xét là hay nhất.
(Ông Lý Văn Huệ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM)

Cốt lõi vấn đề là tâm lý
Với HS tiểu học, nhận xét quá trình học tập bằng khái niệm khá, giỏi hay trung bình, e là trừu tượng với các em. Vì vậy theo tôi, cách đánh giá bằng điểm số vẫn có những ưu điểm riêng của nó. Điểm số có thể vừa động viên, khích lệ HS, đồng thời cũng có thể là sự răn đe để các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Nhưng cốt lõi vấn đề vẫn là tâm lý và suy nghĩ của phụ huynh. Nếu các cháu thường xuyên được điểm 9, 10 nhưng đột nhiên nhận điểm 8 thì phụ huynh tỏ vẻ không bằng lòng, cằn nhằn con em và khó chịu với cách cho điểm của giáo viên. Nên chăng mỗi bậc cha mẹ hãy bình tĩnh vì nếu đã là HS khá giỏi thì các cháu phải học làm sao để ngày một vươn lên chứ không thể thụt lùi. (Chị Tôn Nữ Hạnh Trang - phụ huynh HS tiểu học tại Q.10, TP.HCM)

Dành thời gian vui chơi và học các kỹ năng
Là phụ huynh có con trai đang học lớp 1, tôi cảm thấy vui mừng với quy định hợp lý của Bộ GD-ĐT. Chúng ta không nên tạo áp lực cho các em và giáo viên ở bậc tiểu học, thay vào đó nên tạo cho các em có thời gian vui chơi và học các kỹ năng sinh hoạt cộng đồng từ lúc nhỏ. Nên bỏ hẳn việc cho điểm. (andyn...@yahoo.com)

Theo Tuổi Trẻ