Chăm sóc trẻ tự kỷ - cần yêu thương nhẫn nại
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Trưởng Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng 1) ví von rằng "trẻ tự kỷ là người ngoài hành tinh", sống trong thế giới riêng và có nhiều biểu hiện bất thường mà người xung quanh không hiểu nổi
Từ lúc 3 tuổi rưỡi, bé Đ.H đã có khiếu vẽ và tự biết đếm rất giỏi nhưng... không hề biết các con số. Hằng ngày, nếu không vẽ thì lăng xăng chạy nhảy, không chơi với ai và không chịu nói.
Những em bé đặc biệt
Chị H.Ng, mẹ bé, cho biết 4 năm nay, theo sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn, vì Đ.H thích vẽ nên vợ chồng chị thường đưa bé đến những nơi có biển quảng cáo để trò chuyện, kích thích cháu giao tiếp. Hiện cháu đã tiến bộ nhiều, giao tiếp tốt với người thân nhưng phải học lớp một 2 năm và chưa chịu chơi với các bạn. Chị bộc bạch: "Khi được hướng dẫn, chúng tôi dành nhiều thời gian để cùng chơi và học với cháu. Rời trường chuyên biệt, cháu được học lớp hòa nhập và có chuyên viên tâm lý đến nhà dạy 2 giờ/tuần...".
Còn chị Phượng ở quận 4 thì phát hiện bé Long có nhiều điểm khác biệt từ khá sớm. 11 tháng Long biết nói vài từ đơn và dợm đi nhưng 12 tháng thì... im luôn và đi như chạy. 13 tháng hay đi nhón chân, đi thụt lùi, hay chơi một mình, mải chơi khi nghe gọi cũng không quay lại và thích quay vòng vòng nhưng không hề chóng mặt. 17 tháng không thích tiếp xúc người lạ, sợ đám đông. Sau khi được test trắc nghiệm, đo thính lực... cháu được đề nghị cho đi học để tập nói.
Chỉ sau vài tháng, các biểu hiện có vẻ tệ hơn nên cháu được đưa đến khám tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, điều trị tâm lý, tâm vận động, ngôn ngữ trị liệu, rồi vào học tại trường chuyên biệt. Cả năm đầu cháu hầu như chẳng cải thiện gì, khi những bài học tâm vận động đã "ngấm" vào, cháu có nhiều chuyển biến. Nay, sau gần 20 tháng, Long bớt lăng xăng, nói được, đếm được, biết yêu cầu bằng lời và hiểu những gì đã nói...
Tự kỷ không là bệnh tâm thần
Vì sao trẻ luôn chạy nhảy lăng xăng, cứ dí đầu vào tivi, chun vô góc kẹt hoặc làm những hành động khiến người khác bực mình như đòi xoa và ngửi tóc mẹ...? Bác sĩ (BS) Thanh cho biết hiện nay y học cũng chưa biết về nguyên nhân của rối loạn tự kỷ và có rất nhiều phụ huynh cứ tưởng là... trẻ bệnh tâm thần. Hành động của trẻ bất thường nhưng không gây hại người khác vì thế không nên cấm cản, rầy la hoặc đánh trẻ và phải ghi nhận lại những hành động này vì chúng chỉ cho biết cách trẻ cảm nhận thế giới.
Nếu quá nhạy với cảm giác, trẻ sẽ cố tránh các cảm giác ấy. Ví dụ như nhạy với sự chuyển động sẽ rất sợ thang cuốn; nhạy với ánh sáng chói thì hay dụi mắt để tránh ánh sáng; nhạy với tiếng động thì thường bịt tai la hét khi có tiếng ồn của máy hút bụi, máy giặt... Ngược lại, nếu kém nhạy với cảm giác, trẻ sẽ tìm kiếm cảm giác. Ví dụ như luôn chân chạy khắp nơi để tìm cảm giác chuyển động, chui vào góc nhà hoặc kẹt cửa để cơ thể được ấn, chạm; có vẻ không nghe tiếng gọi vì kém nhạy với tiếng động...
Lời khuyên của nhà chuyên môn
BS Thanh có lời khuyên đầu tiên là nên tìm hiểu xem trẻ thích và không thích gì, để không gây những điều "dị ứng" với trẻ, nối kết sở thích và hành động của trẻ, tận dụng điều trẻ thích để tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, phải tùy theo cách tiếp thu của trẻ mà có cách giao tiếp thích ứng, nhẹ nhàng xâm nhập vào thế giới của trẻ. Ví dụ như bắt chước biểu hiện của trẻ để cùng chơi và biến thành trò chơi tương tác giáo dục trẻ. Nếu trẻ chưa chịu giao tiếp thì không la mắng để không gây chấn thương tâm lý.
Trẻ tự kỷ rất đau khổ, muốn "nói" nhiều điều nhưng không thể giao tiếp. BS Thanh lưu ý: Nên giúp trẻ theo luật: hỏi - chờ đợi - hỏi - giúp đỡ. Phụ huynh phải nhẫn nại với từng mục tiêu nhỏ trong khoảng thời gian khá dài; như trong 6-12 tháng, khi muốn uống nước, trẻ sẽ biết đưa hình mô tả việc uống...
Một điều cần lưu ý là với trẻ tự kỷ thì cần hạn chế sự thay đổi, thường xuyên đổi người giúp việc hoặc chuyển nhà sẽ làm trẻ hụt hẫng và khó phát triển. Điều quan trọng là điều trị sớm, trẻ được điều trị trước 3 tuổi sẽ có khả năng hòa nhập rất cao, trước 6 tuổi thì vẫn còn nhiều hy vọng nhưng sau 6 tuổi thì đã hơi trễ.
Lời khuyên cuối cùng cũng rất quan trọng là bố và mẹ phải cùng chăm lo dạy dỗ, nếu không, trẻ như là "người đứng trên một chân, rất khập khiễng và dễ té ngã".