Tết Nguyên đán là dịp gia đình sum họp, cúng kiếng tổ tiên... Tuy nhiên, Tết cũng là thời điểm không ít học sinh sa đà vào vui chơi quá mức...
Lên kế hoạch... ăn chơi
Hết tuần này là học sinh tại TP.HCM được nghỉ Tết Nguyên đán 2010. Đây là dịp "sổ lồng" của không ít cô cậu học trò. Khi được hỏi: "Nghỉ Tết em làm gì?", Tiến Đoàn, học sinh Trường THCS A., Q.11 cho biết: "Nghỉ Tết... em đi chơi cho sướng. Vì là Tết nên không cần phải học, ba mẹ cũng không kiểm tra chặt chẽ như ngày thường nên em tranh thủ đi chơi với bạn bè. Đặc biệt, thời gian này em có thể chơi games thoải mái". Đối với học sinh các trường nội trú, Tết là dịp "xả trại" rất thú vị. N.V.C - học sinh Trường Dân lập Thanh Bình "bật mí" kế hoạch nghỉ Tết: "Khi trường cho nghỉ, nhóm tụi em kéo về nhà mấy đứa bạn ở gần đây chơi... tới bến rồi về quê. Về quê lại họp lớp, ăn tất niên, kéo bạn bè đi chơi tiếp. Đi học xa, lâu lâu mới về nhà nên tranh thủ chơi cho đã. Chừng nào ông bà già nhắc nhở thì tụi em mới dừng và vô học lại". Tương tự, một nữ sinh THPT ở quận 3 cũng liệt kê "danh mục" những việc phải làm khi được nghỉ học, nào là đi mua sắm, làm đẹp, hội họp, liên hoan và... chát chít.
Tết đến, không chỉ học sinh mới háo hức vì khỏi phải đến trường, không phải học bài, không lo phụ huynh kiểm tra bài vở... mà dịp này không ít phụ huynh cũng nới lỏng "thiết quân lệnh" so với ngày thường. Anh Đăng Ngọc Chinh, (Q. Tân Bình) là dân buôn bán, cha của ba đứa con trai, nói: "Thôi kệ, Tết thì cứ cho tụi nó đi chơi. Chúng muốn đi đâu thì đi miễn đừng có đánh nhau, nhậu say rồi chạy xe để xảy ra tai nạn là được. Hồi xưa mình học cũng trông tới Tết, rồi cũng nghỉ đi chơi suốt chứ có học đâu. Bây giờ ép tụi nhỏ học nhiều chi cho mệt". Thời điểm cận Tết có không ít phụ huynh vì quá bận rộn công việc nên lơi lỏng quản lý con cái, thế là các cô cậu học trò được thể nay họp lớp, mai tất niên, mốt sinh nhật... rồi sinh ra chuyện. Anh Nguyễn Hùng Ban, cha của hai nam sinh lo lắng: "Năm trước con tôi đi họp lớp, liên hoan rồi kéo nhau đi chơi, sau đó gây ra tai nạn. Tết năm nay tôi không dám giao xe cho mấy đứa nhỏ đi chơi".
Tết... cũng học
Tuy mới học mẫu giáo nhưng Bé Trân (Q. Thủ Đức) vẫn phải tuân thủ chế độ học tập do bố mẹ đưa ra. Chị Phương Nguyên, mẹ bé Trân cho biết: "Nghỉ Tết nhưng chỉ trừ những ngày cháu đi với cha mẹ thăm ông bà, bà con là không học, còn những ngày còn lại phải học. Nếu không bắt học, trẻ con nhanh quên lắm, ra Tết cháu không theo kịp bạn bè cùng lớp". Ba mẹ không ép học, cũng không se sua làm đẹp hay mua sắm, nhiều học sinh tự biết phụ giúp ba mẹ quán xuyến việc nhà. Thanh An - học sinh lớp 9 một trường quốc tế là "cô chiêu" nhưng em luôn chăm làm việc nhà, thích thú học nấu ăn. Thanh An khoe: "Tết năm rồi em học làm được món nấu đông sương, chè đậu xanh. Tết năm nay, em nhờ mẹ bày làm bánh kem, thịt kho trứng". Không chỉ học nấu ăn, làm việc nhà, có học sinh muốn tìm về cội nguồn. Hồng Nhung, một "cụ non" đang học lớp 8 Trường THCS Trường Chinh, Q. Tân Bình, nói: "Cả năm đi học gặp bạn bè hoài rồi, Tết là thời gian dành cho gia đình, là dịp đoàn tụ ông bà, bà con chú bác, cô dì. Ngày thường em đi học suốt, ba mẹ bận buôn bán nên đâu có thời gian về quê thăm ông bà. Nếu Tết mà không về quê chúc Tết ông bà riết rồi sẽ mất gốc, không biết cội biết nguồn ở đâu". Còn Thu Trang, học sinh Trường Tư thục Hồng Đức (Q. Tân Phú) tâm sự: "Nghỉ Tết em về quê thăm ông bà, ở nhà với ba mẹ và chơi với em. Em đi học xa nên nhớ nhà lắm. Cũng có thời gian dành cho bạn bè cũ nhưng gia đình vẫn là trên hết". Anh Trần Nam - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết: "Chúng tôi tổ chức Xuân tình nguyện chủ yếu là dành cho những sinh viên không có điều kiện về quê ăn Tết. Tuy vậy, có một em nữ sinh THPT cứ nằng nặc đòi đi tình nguyện vì vừa được đến với người nghèo, vừa mong muốn thoát ra khỏi sự che chở của gia đình để học hỏi điều hay, tự rèn luyện để mình trưởng thành".
Theo thầy Lê Vinh - một cán bộ quản lý, học sinh nghỉ Tết đâu có nghĩa là... nghỉ học. Chỉ đơn giản là không đến trường, đến lớp học nhưng các em vẫn phải học ở nhà. Hơn nữa, các em đâu chỉ học chữ, học kiến thức trong sách giao khoa, mà phải học kỹ năng sống, bài học đối nhân xử thế, thích ứng với môi trường. Đặc biệt, Tết cổ truyền là bài học lớn mà bất kỳ học sinh Việt Nam nào cũng phải học, phải tìm hiểu. Có hiểu được cái truyền thống mới tiếp thu được cái hiện đại, cái tinh hoa thế giới.
Theo Báo Giáo Dục