Bình Định: Trường chuẩn quốc gia - đích đến còn xa Trong giai đoạn 2002-2005, Bình Định sẽ phấn đấu xây dựng 9 trường chuẩn quốc gia ở bậc học mầm non. Trong đó, có 2 trường mầm non khu vực thành thị và 7 trường mầm non nông thôn. Một nửa thời gian đã trôi qua, nhưng đích đến của các trường đăng ký "chuẩn" vẫn còn xa ngái. * Đến tTrường Mầm non bán công 2-9, TP Quy Nhơn có 8 lớp gồm 3 nhóm trẻ và 5 lớp mẫu giáo với 290 học sinh. Cháu đông như vậy, nhưng "vào năm học mới, trường sẽ mở thêm một lớp mẫu giáo nữa"- bà Lê Thị Thế Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Trường Mầm non bán công 2/9 có diện tích trên 2.600 m2, trong đó diện tích sân vườn rộng hơn 1.800m2. So với các trường mầm non khác của Quy Nhơn, đây là một ngôi trường khá lý tưởng với sân chơi cho cháu rộng thoáng, có vườn hoa, cây xanh bóng mát... Vậy mà so với "chuẩn" thì vẫn chưa đạt. Ngoài 4 phòng học hai tầng được xây dựng năm 2000, các phòng học còn lại đều trong tình trạng manh mún và xuống cấp gây cảm giác cũ kỹ và bừa bộn cho người đến tham quan trường. Phụ huynh học sinh cũng cảm thấy không yên tâm khi gởi con vào học tại những phòng học như thế. Ngoài ra, trường còn thiếu hẳn các phòng chức năng để dạy nhạc, họa, múa hát cho học sinh. Trang thiết bị dạy và học, đồ dùng, đồ chơi cho cháu còn thiếu thốn... Bà Thế Mai đưa ra một hướng giải quyết: "Trường sẽ đập bỏ 2 dãy phòng học cũ xuống cấp và xây thêm 6 phòng học 2 tầng nữa, nối với dãy nhà mới xây thành hình chữ L. Như thế, trường sẽ khang trang và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, để làm được như thế trường phải có khoảng 1,4 tỉ đồng. "Trường đang tích lũy, gom góp vốn để nâng cấp cơ sở vật chất. Nhưng để có được tiền "tỉ" đối với một trường mầm non vừa mới ra "bán công" còn quá xa vời" - bà Thế Mai tỏ ra băn khoăn. * Hệ quả của sự đầu tư thấp Trong 5 chuẩn của một trường chuẩn quốc gia ở bậc học mầm non được Bộ GD-ĐT quy định, những tỷ lệ như "có ít nhất 50% số giáo viên tốt nghiệp CĐSP", "10% số giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh"... xem ra vẫn không đáng sợ bằng thiếu đất và thiếu tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học. Bà Trần Thị Thanh Trúc, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn cho biết: "Khi lựa chọn các trường tiêu biểu để xây dựng thành trường chuẩn quốc gia, chúng tôi đã nhắm đến các khả năng có thể phát triển về đội ngũ, về chất lượng nuôi dạy trẻ và các trường cũng phải tương đối đảm bảo về diện tích đất. Vấn đề còn lại vẫn là nguồn đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất cho mỗi trường?…" Ở thành phố còn vậy, các trường mầm non nông thôn còn nhiều khó khăn hơn vì nhiều nơi vẫn chưa tổ chức dạy được bán trú, cơ sở vật chất hầu hết nhỏ lẻ, không tập trung và chưa được đầu tư gì mấy. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng phòng phụ trách mầm non của Sở GD-ĐT nhận xét: "Những tiêu chí trường chuẩn của Bộ GD-ĐT đưa ra rất cao so với thực tế phát triển của các trường mầm non hiện nay của tỉnh". Tiêu chí chuẩn là cái đích cần phải vươn tới. Còn thực tế thì đang phản ánh một thực trạng, ngành học mầm non đã bị "bỏ rơi" trong một thời gian khá dài. Chỉ trừ một số trường mầm non công lập trước đây (nay hầu hết đã chuyển sang bán công) là còn được Nhà nước đầu tư trang bị cơ sở vật chất, còn các loại hình trường như nhà trẻ, mẫu giáo dân lập hầu như được "khoán" cho các địa phương trông coi theo phương châm" xã hội hóa giáo dục". Cơ chế này đã tồn tại trong một thời gian khá dài dẫn đến hậu quả cơ sở vật chất của hệ thống trường lớp ở bậc học mầm non khá xập xệ với 84,2% số phòng học không đúng quy cách, ẩm thấp, khu vệ sinh không có hoặc không phù hợp. Diện tích đất của các trường quá nhỏ bé, đa số các điểm trường mầm non dân lập không có sân chơi, đồ dùng dạy học, đồ chơi của cháu còn quá thiếu thốn... Trong mục tiêu xây dựng trường chuẩn từ 2002-2005, ngành GD-ĐT đã có kế hoạch đầu tư cho 2 trường mầm non khu vực thành thị và 7 trường mầm non khu vực nông thôn. Đây là những trường mầm non dù đã "trong bó đũa chọn cột cờ" nhưng sẽ còn khá nhiều gian nan trên con đường đi đến đích chuẩn. . Ngọc Quỳnh |