Trà Vinh: Giáo viên mòn mỏi chờ tiền trợ cấp Hàng ngàn giáo viên nghèo khó ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Trà Vinh đang mòn mỏi chờ đợi tiền trợ cấp (theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP). Đến nay, tổng số tiền trợ cấp lên đến 102 tỷ đồng nhưng địa phương không biết khi nào mới có tiền "trả nợ" cho các giáo viên... Cuối năm, hơn lúc nào hết, 44 cán bộ giáo viên Trường THPT Long Hiệp (xã Long Hiệp - địa phương vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) lại mong ngóng khoản tiền trợ cấp ít ỏi theo quy định. Tuy nhiên, nhiều khả năng đến tết này, niềm mong mỏi không thể trở thành hiện thực. Anh Kim Hòa Bình phụ trách kế toán của trường, cho biết: "Số tiền trợ cấp của trường lên đến 630 triệu đồng. Đa phần hoàn cảnh của giáo viên ở đây còn khó khăn, nhiều người đang mắc nợ ngân hàng...". Từ năm 2006, cô Phạm Thị Tuyết Ngoan rời quê nhà ở huyện Càng Long về nhận công tác giảng dạy môn Vật lý Trường THPT Long Hiệp và số tiền trợ cấp khó khăn cho cô Ngoan gần 20 triệu đồng tính đến hết năm 2008, nhưng đến nay cô vẫn chưa nhận được đồng nào. Hàng ngàn giáo viên ở Trà Vinh đang mòn mỏi chờ khoản tiền trợ cấp khó khăn. Ông Huỳnh Văn Đồng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Trà Vinh, cho biết: Tính từ tháng 10-2004 đến hết năm 2008, toàn tỉnh có 12.728 lượt giáo viên được hưởng các khoản phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn bị Nhà nước nợ hơn 102 tỷ đồng, trong đó tiền nợ trợ cấp theo Nghị định 61/NĐ-CP hơn 95 tỷ đồng. Những địa phương dẫn đầu về số tiền phụ cấp bị nợ là Trà Cú hơn 26,5 tỷ đồng, Cầu Ngang gần 17 tỷ đồng, Tiểu Cần hơn 16 tỷ đồng Duyên Hải 11,5 tỷ đồng... Các khoản phụ cấp này bao gồm: phụ cấp dạy chữ dân tộc (Khmer), các đối tượng là giáo viên từ nơi khác đến công tác tại các xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh nhưng chưa hưởng đủ 5 năm phụ cấp ưu đãi hơn 2.600 lượt; phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là người tại các địa phương đặc biệt khó khăn hoặc về công tác hơn 5 năm nhưng chưa được hưởng phụ cấp lần nào (hơn 8.000 lượt) và hơn 2.000 lượt giáo viên được hưởng trợ cấp lần đầu. Riêng năm 2009, vẫn chưa có thống kê cụ thể số tiền phụ cấp còn nợ và số giáo viên được hưởng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do phòng giáo dục các huyện không cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, chứng từ để xét duyệt theo quy định. Do phân cấp quản lý theo Luật Ngân sách nên các phòng giáo dục huyện không báo cáo lên Sở GD-ĐT Trà Vinh các khoản phụ cấp còn nợ giáo viên mà chỉ báo cáo với UBND huyện. Mặt khác, tình hình ngân sách của tỉnh Trà Vinh quá eo hẹp, không có kinh phí để tạm ứng giải quyết, phải chờ ngân sách Trung ương hỗ trợ chi trả các khoản phụ cấp này. Hiện tại, Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh hoàn tất hồ sơ của món nợ 102 tỷ đồng tiền trợ cấp cho giáo viên chuyển sang Sở Tài chính Trà Vinh và nơi này đã chuyển lên Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt. Khi nào giáo viên được lãnh tiền trợ cấp thì ngành giáo dục Trà Vinh chưa thể khẳng định được... Theo SGGP |