Không khéo sẽ là bệnh thành tích Bộ GD&ĐT vừa triển khai đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non, phổ thông". Theo đó, trong hai năm 2010-2011, mỗi trường mầm non tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Thực tế, lâu nay tại TP.HCM gần như 100% các trường đều có giáo viên tự làm đồ dùng dạy học bằng cách tận dụng những vật liệu sẵn có như hộp sữa, ống nhựa, tờ lịch cũ... Đồ dùng dạy học tự làm sẽ giúp cho tiết học sinh động hơn. Nhà trường vận động phụ huynh đóng góp nguyên liệu, giáo viên bỏ thời gian ra làm để phục vụ các cháu. Giáo viên nào có thời gian, có sáng kiến sẽ làm ra những sản phẩm đồ chơi đẹp, sinh động... Trước đề án trên, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non - Sở GD&ĐT TP.HCM, lo lắng: "Ngành đang nghiên cứu giảm tải cho giáo viên mầm non. Với những công việc giản đơn, nếu để bảo mẫu hay công nghệ trợ giúp thì giáo viên sẽ có thời gian tập trung công tác chuyên môn, chú tâm giáo dục các cháu hiệu quả hơn. Trong đề án, Bộ GD&ĐT có đề ra "Hội thi đồ dùng dạy học tự làm" và sử dụng kết quả hội thi để đánh giá giáo viên. Riêng điểm này tôi thấy không ổn lắm, bởi giáo viên mầm non các nước khác chỉ làm việc tám giờ/ngày. Trong khi đó, giáo viên mầm non của ta hiện đang làm việc 10-11 giờ/ngày (từ 7 giờ đến 17, 18 giờ). Đồ dùng dạy học chỉ là một phương tiện, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục chứ không phải là để các trường thi nhau. Không khéo thì đây sẽ là một dạng của bệnh thành tích, giáo viên sẽ lại thêm oằn vai vì đồ chơi của trẻ". Theo Pháp Luật
|