Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên ngoại thành muôn nỗi thiệt thòi


Từ trung tâm TP HCM qua đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ mất nửa ngày. Ngoài đoạn đường khoảng 40 km đến huyện Cần Giờ, các giáo viên còn phải đi đò qua sông gần một giờ nữa mới tới được trường Thạnh An. Thậm chí, những giáo viên dạy cơ sở B của trường nằm sâu trong ấp Thiềng Liềng phải đi thêm một chuyến đò nữa. Do đó hầu hết giáo viên ở xa phải ở lại ký túc xá cùng học sinh (HS).

Mơ về một mái ấm
"Nhiều giáo viên Tiểu học Thạnh An hiện vẫn đơn chiếc. Trong khu nhà tập thể của trường còn 7 giáo viên chưa lập gia đình. Điều kiện ở đây khó khăn quá, trên ấp Thiềng Liềng thậm chí không có điện, không internet, không có gì để vui chơi giải trí. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên chỉ lui về khu tập thể khuất sâu trong ấp" ông Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạnh An, tâm sự.

Giáo viên ngoại thành vừa là cô giáo, vừa là bảo mẫu. Ảnh: Nguyễn Thủy

Cùng chung tâm trạng, ông Đỗ Văn Vọi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh chia sẻ: Trường có 11 giáo viên công tác xa nhà, đa phần đều là giáo viên nữ chưa lập gia đình. "Có nữ giáo viên sinh năm 1967 đến nay vẫn một mình. Đây cũng là vấn đề khiến công Đoàn nhà trường day dứt".

Chị Võ Ngọc Thúy, giáo viên công tác ở trường Tiểu học Vĩnh Lộc B hơn 10 năm rơm rớm nước mắt nói: "Nghĩ Tết nhất, mọi người quây quần sum họp, mình lớn tuổi mà vẫn "phòng không", nhiều khi thấy tủi. Tôi hiện vẫn ở cùng ba mẹ, chứ với đồng lương chưa đến 2triệu/tháng, tôi chỉ có thể xoay sở đủ sống cho bản thân cho bản thân còn khó, nói gì đến việc lập gia đình".

Chia sẻ Tết nghèo với học trò
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều giáo viên ở Tiểu học Vĩnh Lộc B "khoe": "Nghe nói năm nay thành phố cho giáo viên 600.000 đồng, cao hơn năm ngoái 100.000đ". Hiện các giáo viên dạy các huyện ngoại thành như: Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Cần Giờ được phụ cấp thêm 500.000đ/tháng/người. Riêng huyện Bình Chánh, giáo viên nào dạy nhà xa 15km, có thêm phụ cấp 200.000 đồng một tháng tiền xăng. Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Kim Pha, giáo viên Tiểu học Vĩnh Lộc B cho biết: "Khoản hỗ trợ đó không lãnh từng tháng, mà cuối năm mới có. Tôi thuộc diện giáo viên dạy xa, gần 30 km từ nhà đến trường, nghe nói có hỗ trợ, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được đồng nào".

Khó khăn là thế, nhưng các thầy cô giáo không quên chăm lo Tết cho các học trò nghèo. Những ngày cuối năm, cô Trần Thị Kim Thư, giáo viên Tiểu học Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ ngược xuôi khắp nơi liên lạc tìm các nhà hảo tâm hỗ trợ quà Tết cho học trò nghèo trong trường. "Giáo viên ngoại thành tuy nghèo, nhưng dù sao Tết cũng có ngân sách hỗ trợ. Còn học trò ở đây phần lớn là con em gia đình lao động nghèo. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến học trò mặc quần áo rách vào dịp Tết. Do đó, năm nào giáo viên cũng quyên góp một phần tiền thưởng Tết ít ỏi và lương cuối năm, mua quà Tết tặng học trò".

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP HCM chia sẻ: Mức lương giáo viên hiện nay chỉ đủ trang trải cuộc sống, chứ không có tích lũy. Cuộc đời của lao động của nhà giáo hơn 30 năm thì trong 10 năm đầu có thể sống hết sức mình, lãng mạn vì lý tưởng nghề nghiệp. Nhưng khi đã có gia đình, gánh nặng "cơm áo gạo tiền" sẽ là một trong những áp lực lớn với các thầy cô. "Vấn đề lương, nhà ở, cơ hội học tập luôn là điều người giáo viên mong đợi, đặc biệt là giáo viên ngoại thành, cần có sự ưu tiên", ông Đạt nói.

Theo Báo Đất Việt