Lâu nay, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trường mầm non "chất lượng cao" là phải dạy song ngữ cho trẻ, mặc dù mức học phí rất cao, dao động từ 1,5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn chưa có một văn bản chính thức quy định thế nào là trường mầm non chất lượng cao, trường mầm non song ngữ. Nở rộ trường mầm non song ngữ Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện TP có khoảng 20 - 30 trường mầm non liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy tiếng Anh cho trẻ. Học phí đều tính theo USD, mức thấp nhất cũng trên dưới 100 USD/tháng/cháu... Tại lớp song ngữ của trường Mầm non Hoa Trà My học phí 1,9 triệu đồng/tháng. Tại đây, các cháu vừa được học chương trình học của Việt Nam vừa có chương trình làm quen với tiếng Anh do chuyên gia nước ngoài giảng dạy (đối với trẻ 3 tuổi trở lên); tại Trường Dream House học phí là 318 USD/tháng... Theo giải thích của đại diện một số trường, học phí cao như vậy là do họ phải thuê giáo viên dạy tiếng Anh người bản ngữ có kinh nghiệm dạy trẻ em với giá rất cao. Ngoài ra để thiết kế một chương trình học cho các em tốn khá nhiều công sức... Đó mới chỉ là tiền học, chưa kể đến tiền phí xây dựng trường, tiền xe đưa đón các cháu (phụ huynh yêu cầu), tiền sinh hoạt ngoại khóa... Tính ra, một năm học của một bé tại trường Dream house hay Hoa Trà My cũng "ngốn" gần 5.000 USD, còn tại các trường lớn như: Unis, Uniworld phí lên tới cả nghìn USD/tháng. Ông Bảo còn cho biết, những trường liên kết với các trung tâm ngoại ngữ và đưa tiếng Anh vào giảng dạy như một hoạt động ngoại khóa hay một môn năng khiếu cũng phải làm hồ sơ xin phép cơ quan quản lý giáo dục, vì trong chương trình của bậc học này chưa hề có môn ngoại ngữ. Những trường đưa tiếng Anh vào giảng dạy phải hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh học sinh và bảo đảm dạy đúng, dạy đủ, không cắt xén chương trình giáo dục mầm non mà Bộ GD&ĐT ban hành. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, lứa tuổi của các bé phải được vui chơi để phát triển trí óc, trí tưởng tượng khám phá thế giới xung quanh. Không nên gò ép các bé phải học vào khuôn khổ ngay từ bé. TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) bày tỏ, đây là lứa tuổi tốt nhất trong quỹ thời gian của mỗi con người để tạo điều kiện cho trẻ khám phá thế giới xung quanh mình, khám phá thiên nhiên, hiểu biết những vốn quý về văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc... Các ông bố, bà mẹ cần tỉnh táo trước những trào lưu của xã hội hiện nay; một nền giáo dục chất lượng cao không phải là một phòng máy lạnh với nhiều phương tiện giáo dục hiện đại, học thật nhiều ngoại ngữ, tin học. Theo Q.Minh (báo Thanh Tra) |