Phú Yên chuyển 92 trường bán công, dân lập thành trường công lập Vừa qua, tại kỳ họp HÐND tỉnh Phú Yên lần thứ 15 (Khóa V) đã ra Nghị quyết chuyển năm trường THPT bán công thành trường THPT công lập và chuyển 87 trường mầm non bán công, dân lập thành trường mầm non công lập. Thời điểm chuyển các trường THPT bán công và trường mầm non bán công, dân lập thành trường công lập thực hiện từ năm học 2010-2011. Phú Yên hiện có 35 trường mầm non công lập, 10 trường tư thục và 87 trường mầm non bán công, dân lập. Việc chuyển đổi các trường mầm non bán công, dân lập thành công lập nhằm thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục 5 tuổi theo quy định; huy động 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo lớn nhằm bảo đảm điều kiện vào học có chất lượng từ lớp một tiểu học. Ðối với cấp THPT khi chuyển sang trường công lập sẽ tạo điều kiện cho học sinh ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng vì khó khăn do học phí cao, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện phổ cập giáo dục trung học trong thời gian tới góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Phú Yên hiện có 23 trường THPT, THCS và THPT công lập, năm trường THPT bán công, ba trường THPT tư thục; việc chuyển năm trường bán công sang công lập gắn với quy hoạch lại mạng lưới trường THPT trong tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển THPT tỉnh đến năm 2010, đạt 85% học sinh trong độ tuổi trở lên, trong đó 65% số học sinh theo học THPT, 20% trung cấp nghề và giáo dục thường xuyên. Thực trạng số trẻ mầm non học ngoài công lập hiện có chiếm tỷ lệ 80,5%; số học sinh độ tuổi THPT học ngoài công lập và giáo dục thường xuyên THPT chiếm tỷ lệ 26,3%. Hằng năm tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trong tỉnh chỉ hơn 50%, trong đó khu vực thành phố chỉ hơn 30% là còn thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước (từ 70% trở lên). Ðáng chú ý là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên lớp 10 THPT trong ba năm gần đây chiếm tỷ lệ 75%-83%. Việc chuyển đổi các trường THPT bán công, mầm non bán công dân lập sang công lập là thực hiện công bằng xã hội về giáo dục tạo điều kiện cho con em các vùng nông thôn miền núi thu nhập thấp có điều kiện theo học, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học do điều kiện gia đình khó khăn không có tiền đóng học phí; đồng thời thực hiện công bằng về chế độ chính sách đối với nhà giáo; có điều kiện để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng giáo dục giữa các trường, các địa phương trong tỉnh. Theo Báo Nhân Dân |