Trong một cuộc tọa đàm về "Dạy trẻ lòng biết ơn" vừa được tổ chức, các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu văn hóa xã hội và đại diện các bà mẹ đều đồng tình về sự cần thiết phải áp dụng phương pháp giáo dụctrong việc dạy trẻ lòng biết ơn ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Không chỉ trên lý thuyết hay dừng lại ở việc nhắc nhở, mà phải hướng dẫn, khuyến khích trẻ thực hiện bằng hành động cụ thể để thể hiện lòng biết ơn. Theo kết quả nghiên cứu, khi được hỏi về cách thể hiện lòng biết ơn cha mẹ và những người xung quanh, hơn 70% câu trả lời của các em tập trung vào các khía cạnh: chỉ cần nói cám ơn, ngoan ngoãn, vâng lời, hay học giỏi. Trong lúc, tỷ lệ các em biết làm các công việc vừa sức để giúp đỡ cha mẹ hay tặng ba mẹ những món quà do mình tự thực hiện chỉ chiếm dưới 40%. Có tới 35% các em còn mắc cỡ, rụt rè khi nói lời cám ơn hoặc bày tỏ lòng biết ơn. 70% các em đồng tình những hành động cụ thể, như: rót nước mời mẹ uống, quạt mát cho ba để thể hiện lòng biết ơn là cần thiết, nhưng 39% các em chưa từng thực hiện hành động này. Bên cạnh đó, các em cũng thể hiện mong muốn được bày tỏ lòng biết ơn của mình: 99% các em sẽ làm những việc vừa sức và có ý nghĩa khi có cơ hội, 94% các em sẽ tham gia các chương trình ý nghĩa nếu có để thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ và những người xung quanh. Tuy nhiên, phần lớn các em lại thiếu sự hướng dẫn và cơ hội thực hành cũng như sự tự giác thực hiện những hành động phù hợp để bày tỏ lòng biết ơn. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn nếu không có phương pháp hướng dẫn cho trẻ bằng những hành động cụ thể, trẻ sẽ nói "cảm ơn" như một cái máy mà không nhận thức được lời nói phải hàm chứa lòng biết ơn thực sự xuất phát từ tâm. Đừng nên chỉ dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn ở hình thức mà phải giúp trẻ hiểu lý do gì mà mình phải biết ơn. Nên thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, làm gương cho trẻ chính từ cách sống của cha mẹ, không nên phó thác trách nhiệm giáo dục trẻ cho nhà trường. Mặt khác, giáo dục lòng biết ơn cho trẻ phải theo kịp sự phát triển của thời đại, dạy trẻ biết tầm quan trọng của môi trường sống để trẻ biết bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên. Một số bà mẹ cho biết, họ vẫn thường dạy con biết nói lời "cảm ơn" khi người khác giúp đỡ hay cho quà mình và nói "xin lỗi" khi mình có lỗi. Cụ thể hơn là hướng dẫn, khuyến khích trẻ tự tay làm những tấm thiệp, món quà nhỏ để tặng người thân, thầy cô, bạn bè vào các dịp lễ, sinh nhật. Theo tiến sỹ tâm lý Đinh Phương Duy, không chỉ dạy trẻ mà người lớn cũng phải học và thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động cụ thể ngay chính trong mối quan hệ gia đình để làm gương cho trẻ. Đồng thời, nên khuyến khích trẻ bằng những lời khen ngợi, tặng thưởng cho trẻ mỗi khi trẻ thể hiện lòng biết ơn. Theo ông Trần Đình Thuận, Trưởng ban quản lý Chất lượng giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cách giáo dục con cái hiện nay trong gia đình làm cho trẻ chỉ biết hưởng thụ, trẻ chỉ yêu cầu "quyền" của bản thân mà không biết "bổn phận" của mình. Trong khi đó, việc rèn nhân cách cho trẻ của nhà trường thông qua sách giáo khoa, chương trình giáo dục chưa mang lại nhiều kết quả. Ông kể câu chuyện: "Một bữa, con tôi về nhà băn khoăn hỏi bố: "Cô giáo cho đề bài tập làm văn "Hãy thể hiện lòng biết ơn của em đối với ông bà hoặc cha mẹ em" mà con không biết phải thể hiện như thế nào". Tôi gợi mở: "Ông nội con ngày xưa đi kháng chiến bị đạn găm vào chân nên bây giờ chân hay đau nhức lắm". Không ngờ, sau bữa đó, cứ buổi chiều là vợ chồng tôi không thấy cháu ở nhà. Mãi về sau mới biết cháu sang bóp chân cho ông nội". Như vậy, dạy trẻ lòng biết ơn không phải qua những bài lý thuyết sáo rỗng, nên bắt đầu từ những sự việc cụ thể, gần gũi với trẻ. Và điều quan trọng là người lớn phải tạo cơ hội cho các em thực hiện. Theo KTĐT |