Bộ lắp ghép đa năng giúp trẻ rèn thể chất Một bộ lắp ghép đa năng có thể chuyển đổi thành các thiết bị như ghế băng, cầu thăng bằng, ván dốc... giúp trẻ mầm non thực hiện nhiều bài thể dục và vui chơi. Đây là sản phẩm do cô Huỳnh Thị Thọ, Hiệu trưởng Trường mầm non 20 Tháng 10, thành phố Đà Nẵng và hai đồng tác giả khác là ông Đàm Văn Vĩnh và cô Lê Thị Diệu Thúy sáng tạo. Sản phẩm đã đạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2009, và trước đó đạt giải nhất Cuộc thi Đồ dùng dạy học tự làm của Bộ Giáo dục đào tạo. Để trẻ mầm non phát triển đầy đủ cả trí tuệ và thể chất, các trường hiện phải mua rất nhiều đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Mỗi thiết bị dùng cho giáo dục thể chất chỉ có một chức năng nhất định, nên sẽ rất tốn kém để trang bị đầy đủ. Với niềm yêu trẻ, cô Huỳnh Thị Thọ đã trăn trở sáng tạo một bộ sản phẩm nhiều chức năng. Trẻ đang rèn luyện thể chất với bộ lắp ghép đa năng tại trường mầm non 20 tháng 10. Ảnh: Hoàng Táo Ban đầu, sản phẩm làm bằng khung sắt và ván ép. Sau quá trình sử dụng, nhận thấy ván ép không thể chịu được lực từ sức nặng của các em, cô lại tìm giải pháp thay thế. Cứ thế, cô Thọ vừa sáng tạo, vừa cùng các cô trong trường sử dụng và cải tiến. Đồng thời, qua nhiều cuộc thi về đồ dùng dạy học của Sở GD - ĐT Đà Nẵng, Bộ GD - ĐT và Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật của thành phố, sản phẩm dần hoàn thiện và có thêm nhiều chức năng giúp trẻ phát triển thể chất toàn diện, vừa giúp giáo viên thực hiện tốt việc giảng dạy môn thể dục và tổ chức các trò chơi vận động. Bộ lắp ghép đa năng cho trẻ mầm non làm từ gỗ và khung thép, gồm hai phần: Băng ghế có khung thép, mặt ghép bằng ván gỗ sơn màu có thể điều chỉnh thành mặt phẳng hoặc cầu thang; phần giá đặt bằng thép, có bốn chân rời giúp dễ dàng thay đổi chiều cao. Các bộ phận đều có các điểm móc, vít điều khiển để dễ dàng thay đổi kiểu dáng, chiều cao, từ đó thay đổi chức năng. Bộ lắp ghép có thể chuyển đổi thành các thiết bị như ghế băng, cầu thăng bằng, ván dốc, cầu thang, khung xà đơn, khung thành bóng đá, bóng rổ, đích ném thẳng đứng... Nhờ vậy, bộ lắp ghép trở thành phương tiện tổ chức các hoạt động phát triển vận động và vui chơi, áp dụng trong nhiều giờ dạy thể dục. Theo Báo Đất Việt |