Nhạc thiếu nhi: Vừa thiếu, vừa yếu "Đã khuya rồi vẫn ngồi đếm sao, sương rơi lạnh ướt đôi bờ vai...", cậu bé cạnh nhà tôi vừa chơi, vừa ngân nga hát theo ca khúc nghe được trên ti vi hàng ngày. Hết bài, cậu lại chuyển sang bài khác, đều là những bài hát người lớn cậu nghe được qua băng đĩa, có cả những bài nhạc híp hop, cậu cũng nhảy, cũng đàn như ai. Khi tôi hỏi "sao em không hát bài hát thiếu nhi ấy". Cậu bé bảo: "Nhưng em thuộc có mấy bài cô giáo dạy và những bài của chị Xuân Mai thôi. Nhưng những bài ấy em được mẹ dạy từ lâu rồi, ngày nào cũng hát, không hay nữa". Có lẽ việc ngân nga những bài hát người lớn không phải riêng cậu bé hàng xóm nhà tôi, dường như khi không có nhiều những ca khúc hay cho thiếu nhi, để đủ sức hấp dẫn, thì việc các em tìm đến những ca khúc người lớn, nhạc tình... cũng là điều dễ hiểu. Hiện nay, ngược lại với sự sôi động, tràn ngập của băng đĩa ca nhạc dành cho người lớn, các sản phẩm băng đĩa dành cho thiếu nhi quá ít ỏi. Ngoài những đĩa ca nhạc được sản xuất từ hơn chục năm trước, tái bản liên tục như "Con cò bé bé", "Mèo con dễ thương" của Xuân Mai, "Mãi mãi trẻ thơ" của Lam Anh, "Chú hề dễ thương" của Khánh Linh, bộ ba album của Xuân Nghi và một số album của nhóm Ve sầu, TyMyTy, "Hát lên hoạ mi" của Cung Thiếu nhi Hà Nội, "Nắng sân trường" của Hồ Gươm Audio, "Em là công an tí hon" của VTC, "Đồ rê mí"..., những đĩa mới sản xuất là rất hiếm. Từ cách đây cả chục năm đến tận bây giờ, không có một gia đình nào có trẻ em mà lại không có dăm bảy CD, VCD, DVD của cô bé Xuân Mai khi mới chỉ có 2, 3 tuổi đến khi 7 tuổi. Đó là những chiếc đĩa được sang in từ những chương trình, những băng đĩa của cô bé khi còn rất nhỏ, trước khi cùng gia đình sang Mỹ định cư. Và dù cho giờ đây, Xuân Mai đã thành một thiếu nữ 14 tuổi, hát những bài của tuổi mới lớn thì trong đầu óc non nớt của trẻ em và cũng như rất nhiều người lớn khác, bé Xuân Mai mới chỉ 3, 4 tuổi. Tình trạng vắng bóng các album ca nhạc mới dành cho các em đã xuất hiện vài năm trở lại đây và vẫn chưa có dấu hiệu được phục hồi. Tình trạng ấy còn được chứng minh bằng tình trạng những đơn vị có truyền thống trong phong trào sản xuất băng đĩa nhạc cho thiếu nhi như Phương Nam film, Bến Thành Audio, Trùng Dương Audio, Tùng Production... lâu nay cũng im hơi lặng tiếng. Sản phẩm băng đĩa đã thưa thớt, các chương trình ca nhạc dành riêng cho các em lại càng ít ỏi hơn. Đếm cũng chỉ được trên đầu ngón tay các chương trình phục vụ khán giả nhí, được tổ chức vào những dịp như Trung thu, 1/6. Trong khi đó, thực tế trên thị trường âm nhạc đã xuất hiện nhiều sản phẩm âm nhạc, album của các "ngôi sao nhí kỳ quái" như bé Châu, Duy Phước, bé Lon Ton, bé Mộng Quỳnh... Các em chỉ mới 5-6 tuổi nhưng mặc những bộ quần áo lưới mỏng dính, ôm sát cơ thể, hát những ca khúc người lớn ủy mị, não tình cùng với phần trình diễn quằn quại. Một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị, các ông bầu ca nhạc không mặn mà với ca nhạc dành cho thiếu nhi là nạn băng đĩa lậu và sự thiếu vắng nhà tài trợ. Làm album hay chương trình cho các em khá tốn kém, trong khi giá bán không cao nên ít người đầu tư cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là tình trạng khan hiếm bài hát mới, có khả năng hấp dẫn các em. Những bài hát được các cháu yêu thích lâu nay thường là những ca khúc được sáng tác từ lâu. Các nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi tuổi đã cao, nhiều người đã không còn đủ sức để cầm bút viết. Trong khi đó, các nhạc sĩ trẻ lại không mặn mà với đề tài này vì nhuận bút không đáng là bao. Một số nhạc sĩ viết cho trẻ em, nhưng lại không xác định được viết cho trẻ ở độ tuổi nào, nên các bài hát thường rơi vào "quãng giữa", còn tuổi mẫu giáo và vị thành niên thì lại quá ít. Thời gian gần đây, bên cạnh một số sáng tác mới như "Hè về thăm quê ngoại" (cố nhạc sỹ Từ Huy), "Sắc màu tuổi thơ" (Trần Thanh Tùng), "Chuồn chuồn cắn rốn" (Nguyễn Ngọc Thiện)... được các em yêu thích, nhiều ca khúc khác lại mang tính áp đặt. Nhiều người luôn ước ao thấy những tác phẩm âm nhạc mới ra đời, có những giai điệu thiết tha, chan chứa tình cảm và đẹp đẽ như bài hát "Cánh én tuổi thơ" của nhạc sỹ Phạm Tuyên, những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của các nhạc sỹ: Hoàng Vân, Hoàng Long, Hoàng Lân, Trương Quang Lục....Những giai điệu ấy đã thành một kỷ niệm đẹp khó quên với bao tâm hồn trẻ thơ. Giờ đây tìm một giai điệu ấm áp, hồn nhiên cho thiếu nhi thật khó khăn. Ca khúc và sản phẩm âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu là nhận xét của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc. Trước đây, Hội Nhạc sỹ có hình thành một ban sáng tác cho thiếu nhi và đã tổ chức một số hội thảo về chuyên đề thiếu nhi, nhưng đến năm 1989 thì không còn tổ chức này nữa và sáng tác cho thiếu nhi được phân về các ban thanh nhạc. Từ đó hầu như sự quan tâm của hội đối với đối tượng này bớt hẳn. Trong khi nhu cầu âm nhạc của thiếu nhi vẫn rất lớn. Thực tế hàng năm, cứ vào mùa hè, chương trình Đồ Rê Mí của Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được sự đăng ký hết sức nhiệt tình của thiếu nhi. Không cần bài hát mới, các em có thể được các thầy cô dựng lại những bài hát cũ, thậm chí có những em đã chọn những bài hát mà thế hệ cha mẹ, ông bà các em đã từng hát. Điều đó để thấy rằng, nhu cầu âm nhạc với thiếu nhi là rất lớn, rất cần được quan tâm, để chính thứ âm nhạc ấy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, chứ không phải những bài hát yêu đương sướt mướt. Theo KTĐT |