Bộ Tài chính vừa có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh thành phố quản lý chặt giá tất cả các mặt hàng, nhất là sữa. Đây là phản ứng đầu tiên sau khi dư luận lên tiếng việc sữa đột ngột tăng giá, nhiều mặt hàng rủ nhau biến động trước Tết. Trong công điện khẩn gửi các tỉnh thành phố do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký chiều nay, Bộ Tài chính cho biết thời gian qua việc một số mặt hàng sữa bột đã tăng giá bán, gây tâm lý không tốt đến người tiêu dùng và dư luận xã hội. Giá sữa VN đang được xếp vào hàng cao nhất thế giới. Ảnh: Hoàng Hà. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra giá các hàng hóa nói chung và mặt hàng sữa nói riêng. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá. Để tránh việc doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng phí tùy tiện, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị cung ứng hàng hóa phải đăng ký, kê khai, niêm yết và công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Riêng đối với mặt hàng sữa, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa trên địa phương mình. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng có quyền chỉ định hoặc áp giá bán đối với hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp đã quyết khi thị trường có biến động bất thường. Ngoài ra, tại công điện khẩn, Bộ Tài chính cũng đề nghị các hình thức phạt tiền, cảnh cáo, thu hồi chênh lệch giá đối với các trường hợp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá do tăng phí hoa hồng, phí quảng cáo. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp mạnh - thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương tổ chức đoàn thanh tra kiểm soát việc niêm yết giá và chi phí cơ cấu hình thành giá của các doanh nghiệp sữa để kiên quyết xử lý các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức hoặc đưa tin thất thiệt. Chậm nhất là ngày 20/1 tới, Sở Tài chính địa phương phải có báo cáo kết quả thanh tra giá sữa tại địa phương mình về Bộ Tài chính. Từ đầu tháng 12/2009, nhiều công ty kinh doanh sữa tuyên bố sẽ tăng giá 5-7% tùy theo sản phẩm sữa nước hay sữa bột. Các bà nội trợ lo lắng, nhà quản lý ngành hàng cũng "thở hắt ra" vì giá sữa tăng đã trở thành câu chuyện không còn mới. Mấy năm trở lại đây, người ta cũng chẳng buồn thống kê xem mặt hàng sữa đã bao nhiêu lần tăng giá. Mỗi lần điều chỉnh giá bán chỉ khoảng 5-10%, tiếng là nhỏ giọt, nhưng cộng dồn lại vẫn đủ để sữa VN xếp vào hàng đắt nhất thế giới. Cái lý để các hãng sữa vin vào trong các đợt điều chỉnh giá bán là vì biến động tỷ giá, nguyên liệu đầu vào tăng cao... Trước bức xúc của dư luận, mới đây, Bộ Tài chính đã mở một đợt thanh tra về chi phí đầu vào giá sữa. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp này vẫn còn nhiều khoản chi phí bất hợp lý, là nguyên nhân đẩy giá sữa tăng cao trên thị trường. Đoàn thanh tra đã yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm chi phí, xem xét lại yếu tố cấu thành giá để bằng mọi cách ổn định giá bán các sản phẩm sữa trên thị trường. Theo VnExpress |