Tết sắp đến rồi! Chuẩn bị tinh thần nhận lì xì nhé! Mấy anh chị lớn nhà bà Thư nói với nhau như vậy. Con nghe, cũng có vẻ háo hức. Rồi con hỏi bố: "Lì xì... Là người lớn cho tiền trẻ con. Thích quá bố nhỉ? Mà vì sao đến Tết lại có lì xì?" Bố sẽ kể cho con nghe một câu chuyện này đã nhé. "Ngày xửa ngày xưa, một gia đình sinh được hai đứa con trai sinh đôi. Hai đứa trẻ đẹp như thiên thần, lớn nhanh như thổi. Đến ba tuổi, đã như con nhà khác lúc năm tuổi ấy! Thế nhưng, bố mẹ họ mới buồn làm sao khi phát hiện ra rằng, đứa anh bị câm, trong khi đứa em lại nói được bình thường. Gia đình ấy lại nghèo nên nuôi hai đứa con cũng vất vả, chật vật. Một hôm, có người nhà giàu không có con đi qua, thấy hai đứa bé xinh quá, bèn đánh tiếng xin mua một đứa về nuôi. Nhờ có những bao lì xì xinh xắn ấy mà mình biết được, mọi người quan tâm yêu mến mình thế nào Năm ấy, trời làm hạn hán, mất mùa. Nhà này đã nghèo lại càng nghèo, không có đủ cái ăn mặc cho cả hai đứa trẻ. Vì thế, bà mẹ gạt nước mắt, quyết định cho người nhà giàu một đứa bé, hy vọng con mình được sống sung túc hơn. Hai bố mẹ bàn bạc, rồi khóc lóc mãi vì thương con, cuối cùng cũng đồng ý mang cậu bé câm đi cho nhà người ta. Mẹ bảo: "Hy vọng ở với nhà giàu, thằng anh sẽ đỡ khổ hơn là ở với chúng ta, nhất là nó lại thiệt thòi như thế!". Bố cũng thấy mẹ nói có lý. Hai anh em chia tay nhau mới buồn làm sao! Tuy còn nhỏ, nhưng hai đứa đã nhanh chóng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng nhất định không muốn rời nhau. Chúng tha thẩn chơi vơi nhau trong vườn. Bố mẹ gọi thế nào cũng không chịu buông tay nhau ra. Cuối cùng, chúng khóc ré lên. Đương lúc ấy thì trong vườn có một con rắn bò ngang qua. Nghe tiếng khóc, nó giật mình đánh rơi một cái túi nhỏ màu đỏ, nó phát ra những tiếng "xì xì" của loài rắn và vội vàng trườn đi mất. Hai đứa trẻ tò mò mở túi ra, quên cả kêu khóc. Thì ra, đó là một viên ngọc đẹp. Hai đứa vui sướng dẫn nhau vào nhà khoe với mẹ. Mẹ thảng thốt hỏi: "Các con lấy được ở đâu" "Lì xì, xì xì..." - em bé câm cất tiếng, bắt chước tiếng kêu của con rắn. Em bé cầm viên ngọc lên tay, lại nói: "Lì xì, xì xì"... Viên ngọc bé tí tẹo bỗng nhiên phát sáng rực rỡ. Người mẹ biết có sự lạ, quay lại nói với bố: "Lì xì cho con ta viên ngọc. Có lẽ mình không cần bán con cho ai hết, bố nó ạ!". Vừa dứt lời, bỗng nhiên gian nhà vụt sáng lòa. Một tiếng sấm khô khốc vang lên. Hai đứa trẻ hét lên sợ hãi: "Mẹ ơi!...". Hai bố mẹ kinh sợ khi phát hiện ra rằng, tiếng gọi Mẹ phát ra từ cả hai đứa trẻ! Thằng anh đã hết bị câm. Cậu nói nhanh và sõi hơn cả người em sinh đôi của mình. Thật là không còn hạnh phúc nào bằng! Hai vợ chồng đã từ chối không bán con cho người nhà giàu kia. Từ đó, gia đình họ càng ngày càng êm ấm. Những năm sau liên tiếp được mùa. Nhà đã có của ăn của để, vì hai bố mẹ đều rất chăm chỉ làm ăn. Hai đứa trẻ ngày càng lớn nhanh như thổi, thông minh, ngoan ngoãn. Đến Tết, khi đón họ hàng đến chơi, ai cũng được nghe kể chuyện về "con Lì xì" đã đem lại may mắn cho gia đình cùng khổ này. Từ đó, bà con xung quanh bắt chước, cũng làm một chiếc túi khâu bé tí màu đỏ, và bỏ những thứ quý giá vào đó để tặng cho nhau. Họ gọi đó là "lì xì", mang lại may mắn cho mọi người... Sau này, người thay túi đỏ bằng những phong bì bé xíu, in màu đỏ và nhiều họa tiết đẹp đẽ khác. Và những thứ đồ quý giá được thay bằng những đồng xu, đồng tiền, và bây giờ là tiền giấy đẹp cho tiện lợi hơn." Câu chuyện này bố được nghe một bà già kể lại. Không biết có đúng hay không, nhưng bố rất thích nó, và bây giờ kể lại cho con nghe. Những người khác thì lại bảo rằng, lì xì là âm thanh nói khác đi một chút của tiếng Trung Quốc, có nghĩa là "may mắn". Giải thích thế cũng được. Quan trọng nhất là ý nghĩa của việc tặng nhau lì xì vẫn giữ nguyên như ngày xưa: có nghĩa là tặng nhau sự vui vẻ, may mắn. Đứa trẻ được tặng phong bao lì xì sẽ lớn nhanh hơn, nếu có dị tật, sẽ đỡ đi hoặc dị tật biến mất. Trước đây, hồi bố còn nhỏ, bố không dùng từ "lì xì" mà hay gọi đây là được "mừng tuổi". Mừng một đứa trẻ sang một năm mới, lên một tuổi mới! Nhưng mà, con biết không, ngày Tết, chúng mình biếu ông bà bao lì xì là mình "mừng thọ" mong ông bà sống lâu, luôn khỏe mạnh, không ốm đau, luôn vui vẻ bên các con các cháu. Như vậy, ngày nay "lì xì" không còn bó hẹp "người lớn cho tiền trẻ con" đâu con ạ. Con nhớ nhé. Tết này con đã có thể tự động cầm phong bì màu đỏ "mừng thọ" ông bà rồi. Ông bà chắc hẳn sẽ rất vui khi có đứa cháu nhỏ nhớ đến mình. Đấy, con thấy lì xì có thú vị không hả con? Có, nhỉ? Vì nhờ có những bao lì xì xinh xắn ấy mà mình biết được, mọi người quan tâm yêu mến mình thế nào. Và cũng nhờ chúng, con có thể thể hiện được tình cảm và lời chúc may mắn của con đến với những người thân, như ông bà của mình chẳng hạn. Thôi, đã khuya lắm rồi, con nhắm mắt ngủ đi. Bố con mình sẽ cùng mong Tết đến để được lì xì. Theo Tin Tức |