Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ stress vì con lên 3


Từ sau hôm sinh nhật tròn 3 tuổi, con đã thay đổi rất nhiều.

Buồn ơi là buồn vì con gái thay đổi chả ngoan tí nào.

Con gái tự nhiên hay nhõng nhẽo, đặc biệt là thích "bỗng dưng muốn khóc". Mẹ cứ nghĩ con gái đã qua giai đoạn "khủng hoảng tuổi lên 3". Nhưng có lẽ không phải. Cô giáo cũng bảo, dạo này con gái hay mè nheo lắm. Bạn có chạm vào tóc thôi cũng "hichic, mẹ Thanh ơi bạn ... chạm vào tóc con..." (mẹ Thanh là cô giáo lớp Cá heo của con), rồi thế là nước mắt ngắn nước mắt dài lăn trên má.

Ờ nhà con càng nhõng nhẽo và hay khóc nhè nhiều hơn. Bố, mẹ tỏ ý không bằng lòng khi con làm việc gì đó sai. Con khóc. Em chạm nhẹ vào váy của con. Con khóc.

Con luôn đưa ra những lý do mà bố gọi là "vô cùng vô lý" khi không muốn làm một việc gì đó. Con bướng bỉnh.

Mẹ đưa con đi chơi công viên, mẹ bảo con đứng cạnh những hoa để chụp ảnh. Con không thích. Con nói dỗi: "Con đứng cạnh hoa, sợ ong đốt". Sản phẩm của việc "con sợ ong đốt" là cả buổi chụp ảnh không có kiểu nào con cười. Mặt con bí xị như kiểu bị bắt ép chụp ảnh. Bố mẹ chỉ buồn vì cuối tuần cũng không đem lại cho con niềm vui.

Stress nhất vẫn là vụ ăn uống của con. Con đang ăn uống "ngon lành cành đào" (trộm vía) nhưng lại quay hẳn 360o bỏ ăn bỏ uống.

Con nhìn thấy mẹ bưng bát cháo thì con đòi ăn cơm. Mang bát cơm ra, con nhìn thấy cơm thịt, con đòi ăn cơm với đậu. Nhìn thấy canh bí đỏ, con đòi ăn canh bí xanh. Nhìn thấy canh bí xanh, con bảo con không thích cắt bí xanh theo kiểu hình răng cưa.

Trước đây, nếu có ăn uống kém đi, con chả bao giờ chê sữa. Bây giờ, nhìn thấy sữa, con lắc đầu nguây nguẩy rồi quay đi.

Bố mẹ đi làm về mệt, nhìn thấy con nẫu hết cả ruột gan. Thấy con "đỏng đảnh" lại sôi sùng sục, chỉ muốn đét cho con mấy cái. Nhưng lại thương con vô cùng. Con ăn uống kém rồi lại sụt cân, sụt lạng.

Bố chỉ thắc mắc thầm với mẹ: "Sao cái miệng con nói liên hồi mà cái bụng con không biết đói? Có phải cái đầu con điều khiển cái miệng con không muốn ăn?" Mẹ cũng không biết trả lời bố thế nào.

Mẹ đã tìm rất nhiều sách báo, tài liệu về tâm lý của giai đoạn này để đọc nhưng chưa gặp được quyển sách nào tâm đắc. Chỉ mong thời gian trôi nhanh để con qua giai đoạn "khủng hoảng tuổi lên 3".

Mẹ Bông - Theo afamily