Kinh phí của giáo dục đang bị “cắt xén”
Hàng chục tỷ đồng của giáo dục đang bị "giữ" Ông Lê Hoài Nam - Trưởng phòng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Vừa rồi sở đã đi thực tế ở một số quận, huyện để xem các địa phương chi như thế nào cho giáo dục. Qua đó cho thấy có một số nơi đã giữ lại mười mấy tỷ đồng của giáo dục. Nguyên nhân là do họ giữ lại nguồn kinh phí dành cho việc tăng lương, trong khi đó trước khi rót xuống cho quận, huyện thì thành phố đã giữ lại rồi. Thường thì các quận, huyện chỉ "trả" lại tiền cho giáo dục khi các trường kêu thiếu, nếu không kêu thì họ cũng im luôn...". Ông Nguyễn Minh Châu - Trưởng phòng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cũng cho biết là ở Bình Chánh, kinh phí cấp cho bậc THCS quá ít. Hai năm nay, năm nào các trường THCS cũng không đủ tiền để trả lương cho giáo viên. Năm 2009, ngành giáo dục đã phải lấy tiền của mầm non và tiểu học để bổ sung cho THCS. Hay như ở Q.Bình Thạnh, theo Nguyễn Trọng Chức thì: Ở những trường có nguồn thu học phí đã bị trừ tới lần 2 (mỗi lần 40%) nên trường chỉ còn lại rất ít. Gây khó khăn cho hoạt động dạy và học của nhà trường. Không chỉ có vậy, "Ở Bình Thạnh còn nhập nhằng giữa kinh phí chi cho các trường phổ thông, mầm non và trường bồi dưỡng chính trị đều là kinh phí chi cho giáo dục. Theo đó, kinh phí của giáo dục đã bị chi bớt cho trường bồi dưỡng chính trị"... Xung quanh bức xúc của các quận, huyện, lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT cần nắm rõ về thủ tục tài chính để lấy lại đúng phần kinh phí mà ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Bao giờ mới có quyết định tuyển giáo viên?
Ông Nguyễn Đình Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa bức xúc: "Vì sao quyết định tuyển dụng giáo viên quá chậm?". Và việc chưa có quyết định tuyển dụng đã ảnh hưởng đến chế độ lương bổng của giáo viên. Theo đó nhiều giáo viên mới về cứ nhấp nha, nhấp nhổm. Thậm chí có người còn có ý định xin chuyển đi nơi khác. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở những địa phương có nhiều giáo viên mới như Bình Tân, Tân Phú... Đại diện Phòng Tổ chức Cán bộ, ông Bùi Ngọc Âu, Phó trưởng phòng giải thích: "Chúng tôi đã chuyển hồ sơ qua Sở Nội vụ cách đây khá lâu. Mãi tới tuần vừa rồi, Sở Nội vụ cho biết đã trình lên thành phố. Phòng Tổ chức Cán bộ sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất có được quyết định tuyển dụng gửi cơ sở...". Bên cạnh đó các đại biểu còn bức xúc về vấn đề khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh. Mặc dù theo Luật Bảo hiểm y tế thì phải đến ngày 1-1-2010, thẻ bảo hiểm y tế mới phải dán ảnh nhưng Phòng khám ở Q.8 đã "đi trước một bước". Theo đó các bác sĩ ở đây đã từ chối khám bệnh cho học sinh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng thẻ không có hình. Ông Hồ Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Định đã đề nghị Sở GD-ĐT "can thiệp" để Phòng khám Q.8 không làm khó học sinh. Một vấn đề nữa mà nhiều địa phương băn khoăn, đó là khoảng 20 ngàn đồng/học sinh/năm dành cho việc chăm sóc sức khỏe đã không còn. Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng - Phó trưởng phòng Phòng Học sinh - Sinh viên Sở GD-ĐT cho biết: "Bắt đầu từ năm 2010, nguồn kinh phí này sẽ được lấy từ phần trăm để lại của bảo hiểm y tế. Vì từ 1-1-2010 thì 100% học sinh phải tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, ngân sách đã cắt 20 ngàn đồng dành cho việc chăm sóc sức khỏe của học sinh". Nhân đây, bác sĩ Tài Dũng cũng yêu cầu các trường chỉ nên mua nước đóng bình cho học sinh uống ở những cơ sở có cam kết là sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sự cố đối với học sinh.
Theo Báo Giáo dục |