Viêm não - màng não đang gia tăng Buổi sáng cùng ngày, trong 141 ca đang điều trị tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, 27 ca là viêm não - màng não (VN-MN). Đa số bệnh nhân là trẻ dưới năm tuổi. Bệnh thường xuất hiện nhiều từ tháng 10 đến tháng ba, sau những đợt dịch cảm cúm. Theo BS Khanh, vào thời điểm này trong năm, trẻ rất dễ bị viêm họng, các vi trùng hay siêu vi trùng sẽ từ vùng tai mũi họng bị viêm nhiễm đi vào MN và gây bệnh. Bệnh VN-MN có thể biểu hiện đột ngột hay sau vài ngày ho, sổ mũi bằng các triệu chứng: sốt cao, đau đầu, nôn ói, cổ cứng, trẻ còn bú có thể thấy thóp phồng. Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ co giật, bỏ ăn, bỏ bú, hôn mê. Nhiều trẻ dưới chín tháng tuổi mắc sởi đang điều trị tại khoa Nhiễm -BV Nhi Đồng I, ngày 21/12 Để phòng ngừa bệnh VN, trẻ cần phải được giữ ấm, chăm sóc tốt những lúc thời tiết thay đổi, điều trị kịp thời khi trẻ bị cảm cúm, viêm mũi, họng hoặc viêm tai. Việc phòng ngừa bằng vaccin chỉ có tác dụng đối với vi trùng HIB (Hémophillus influenza type B) - một loại vi trùng gây nên 70% các trường hợp viêm MN ở trẻ em. Tuy nhiên, chi phí chích loại vaccin này khá cao, khoảng 300.000đ/liều và cần chích một - ba liều tùy theo tuổi. Trong khi đó, tại khoa Nhiễm Việt - Anh, BV Bệnh Nhiệt đới, bệnh viêm MN mủ ở người lớn do liên cầu lợn (một loại vi khuẩn thường trú ở họng - đường tiêu hóa - đường sinh dục heo) cũng đang báo động. Chỉ trong ngày 21/12, khoa nhiễm Việt - Anh tiếp nhận ba ca viêm MN mủ nghi do nhiễm liên cầu lợn. "Mỗi năm, khoa tiếp nhận từ 80 - 100 ca viêm MN mủ, 40% trong đó là do liên cầu lợn. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, khoảng 30% bệnh nhân viêm MN mủ do liên cầu lợn có tiếp xúc trực tiếp với heo (giết mổ heo, bán thịt heo, chế biến thịt heo, chăn nuôi heo). Các ca còn lại phần lớn đều có liên quan đến thói quen ăn uống (sử dụng thức ăn chưa chín tới, đặc biệt là tiết canh - lòng heo). Bệnh nhân thường sốt cao, nhức đầu dữ dội, nôn ói, nặng hơn, có thể dẫn đến mê sảng", ThS-BS Hồ Đăng Trung Nghĩa, khoa Nhiễm Việt - Anh cho biết. Tất cả các bệnh nhân bị VN-MN đều phải nhập viện và điều trị cấp cứu. Nếu không điều trị hoặc điều trị trễ, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại những di chứng như mù lòa, động kinh, yếu liệt chân tay, hoặc nặng hơn là sống thực vật. Một điều đáng lo ngại khác là sởi có thể bùng phát thành dịch vào năm tới khi mà hiện nay, trung bình mỗi ngày, khoa Nhiễm của BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 có khoảng 30 ca sởi đang điều trị. Vào thời điểm này năm 2008, hai bệnh viện này chỉ tiếp nhận rải rác một - hai ca/ngày. "Chu kỳ của sởi sẽ bắt đầu vào tháng một và kéo dài đến tháng tư. Điều đáng lo ngại, nhiều ca sởi đều dưới một tuổi, trong đó, có trẻ mới bảy tháng. Đây là lứa tuổi trẻ chưa thể chích ngừa sởi. Do đó, trẻ có thể bị nhiễm bệnh từ cha mẹ, hoặc từ môi trường xung quanh. Tỷ lệ nhập viện có thể chỉ khoảng 10% so với tổng số trẻ mắc sởi ngoài cộng đồng", BS Khanh cho biết. Sốt phát ban do sởi thường biểu hiện bằng sốt cao kèm ho, sổ mũi, mắt đỏ vài ngày sau khi phát ban toàn thân. Trước khi phát ban, trẻ thường bứt rứt, quấy khóc nhiều. Ban đỏ do sởi thường có biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, kiết lỵ và nặng hơn là VN. Theo PN |