Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ thai nghén khó, con lười ăn


Biến chứng thai kỳ có thể gây ra sự rối loạn ăn uống của đứa con sau này. Nếu mẹ bị tiểu đường thì trẻ sẽ biếng ăn, còn nếu mẹ xuất huyết sớm khi chuyển dạ thì con khó tránh khỏi chứng ăn uống vô độ.

 Mối liên quan giữa biến chứng thai kỳ và sinh nở với chứng chán ăn ở trẻ từng được nhắc tới trong một vài nghiên cứu nhỏ, song chưa có báo cáo nào xác định rõ yếu tố nguy cơ và đề cập tới chứng háu ăn.

Trong nghiên cứu mới đây của Đại học Padua, tiến sĩ Paolo Santonastaso (Italy) đã phân tích hồ sơ sản khoa ở Bệnh viện Padua từ năm 1971 tới 1979, trong đó có khoảng 100 người mắc chứng chán ăn và hơn 70 trường hợp luôn háu đói. Kết quả cho thấy, các biến chứng như thiếu máu và tiểu đường ở người mẹ lúc mang thai và các sự cố tim mạch của con thời kỳ sơ sinh gây ra chứng lười ăn trẻ sau này. Cứ 2 biến chứng thì nguy cơ lại tăng lên 16 lần.

Nguyên nhân của hiện tượng này, theo Santonastaso, là do tình trạng thiếu máu và bệnh tiểu đường thai kỳ đã hạn chế lượng oxy và dưỡng chất cung cấp cho hệ thần kinh trung ương của bào thai. Còn sự cố tim mạch của bản thân đứa trẻ vào giai đoạn sơ sinh thì khiến cho dòng máu tới não thấp và gây tổn thương.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy số biến chứng thai kỳ còn quyết định tuổi biếng ăn. Trong trường hợp không có biến chứng, tuổi trung bình bắt đầu chán ăn là 18,8 năm, song nếu mẹ bị dưới 5 biến chứng thì tuổi lười ăn sớm hơn 1 năm và trên 5 biến chứng thì sớm hơn gần 3 năm.

Đối với hiện tượng háu ăn, những yếu tố nguy cơ là xuất huyết sớm lúc sinh nở và trọng lượng của trẻ sơ sinh thấp. Cũng như lười ăn, cứ từ hai biến chứng trở lên thì nguy cơ ăn uống không kiểm soát ở trẻ tăng lên đáng kể.

Vnexpress