Các cháu mầm non "khóc" với nhà vệ sinh người lớn Với phần đông trường học ở tất cả các cấp hiện nay, nhà vệ sinh luôn bị coi "phụ", cũng vì thế mà lâu nay, đi vệ sinh luôn là... ác mộng đối với học sinh. Trường mầm non cũng không phải ngoại lệ, khi nhà vệ sinh tại nhiều trường hiện đang thiếu, xuống cấp, và thiết kế còn chưa phù hợp. Các cháu "xài" nhà vệ sinh của các chú, các cô Nguyên nhân là do địa điểm để mở trường là đi thuê, nên các bé "đành" phải sử dụng nhà vệ sinh sẵn có - vốn thiết kế dành cho người lớn. Tại lớp học 3 tuổi, gồm 35 cháu, khu vệ sinh chỉ có một bồn cầu, một vòi rửa tay, một vòi hoa sen, tất cả đều quá cao so với các bé. Chiếc bồn cầu bệt cao chừng 400cm trong khi chiều cao trung bình của các bé 3 tuổi chỉ khoảng 95cm. Nhà vệ sinh trường Ban Mai, Văn Quán, Hà Đông được trang bị 4 bồn cầu, 1 bồn rửa tay và dép vào nhà vệ sinh. (Ảnh NP) Do đó, phần lớn các cháu đều phải loay hoay mãi mới trèo lên ngồi được trên chiếc bồn cầu này. Cháu nào nhỏ quá thì lai chịu khó... ngồi bô. Thêm nữa, vòi xả nước bồn cầu tại đây rất khó vặn, chỉ người lớn mới có thể sử dụng. Tại Trường cơ sở 2 của Trường mầm non Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, sau một hồi trình bày lý do, chúng tôi cũng được mục sở thị nhà vệ sinh của một số lớp học. Ở lớp 2 tuổi, với 26 học sinh, chỉ có một nhà vệ sinh với một bồn cầu bệt, cũng được thiết kế dành cho người lớn. Nhà vệ sinh này rộng chừng 2-3m2, cửa ra vào đã xập xệ, cũ nát, không có bồn rửa tay, không xà phòng và thùng đựng giấy vệ sinh. Năm 2008, Vụ công tác học sinh, sinh viên phối hợp với Bộ xây dựng đã nghiên cứu thành công mẫu thiết kế nhà vệ sinh cho tất cả các cấp học. (Ảnh NP) Đối với một số trường bán công trong nội thành Hà Nội và các trường mầm non quốc tế, nhà vệ sinh có được quan tâm hơn. Ở Trường quốc tế Ban Mai, Văn Quán, Hà Đông, nhà vệ sinh của các cháu có vẻ đầy đủ và hợp với quy chuẩn: Trung bình một lớp 35 cháu với một nhà vệ sinh khép kín gồm 4 bồn, và được thiết kế phù hợp với lứa tuổi của các bé, 1 chậu rửa với 4 vòi nước, có xà bông và dép riêng đi vào nhà vệ sinh... Tuy nhiên, số trường mầm non có nhà vệ sinh hợp với quy chuẩn như vậy chiếm tỉ lệ không nhiều. Được biết, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều được xây dựng cách đây ít nhất 5 năm, nhà vệ sinh không chỉ thiếu, thiết kế không phù hợp với độ tuổi, mà phần nhiều đều xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lớp đều không có xà phòng rửa tay, một số bồn cầu đã hỏng nhưng cũng không được sửa chữa. Bao giờ nhà vệ sinh hợp chuẩn được áp dụng rộng rãi? Phối cảnh bên ngoài. Ảnh NP Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Sơn, chuyên viên Vụ công tác học sinh sinh viên cho biết, với thiết kế mới này thì một lớp mầm non từ 25-35 cháu sẽ có nhà vệ sinh dành riêng cho trai gái, diện tích mỗi phòng là 20m2, 8 chỗ tiểu và 4 hố tiêu, 2 chậu rửa, 2 vòi tắm, 2 máy rửa tay, 2 vòi, 2 bể chứa nước dự phòng. Đối với hố xí bệt, chiều cao trung bình của bồn là 220- 300cm phù hợp với chiều cao của trẻ lứa tuổi này khoảng từ 90-110cm. "Cấp học mầm non là cấp học đặc biệt, vì thế nhà vệ sinh được chúng tôi chú trọng. Thiết kế từ bồn cầu, vòi rửa tay, bệ cửa và cửa ra vào sao cho phù hợp với các cháu. Không gian trong nhà vệ sinh cũng được trang trí sao cho bắt mắt và thân thiện", bà Sơn cho biết. Cũng theo bà Sơn, vấn đề quản lý về thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất nói chung và nhà vệ sinh nói riêng không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GD-ĐT. "Bộ chỉ đưa ra những mẫu quy chuẩn sau khi đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Mẫu nghiên cứu này được chúng tôi nghiên cứu và thử nghiệm trong 2 năm, (từ năm 2007-2009) sau khi thấy khả thi, chúng tôi đã gửi mẫu thiết kế về các cơ sở đồng thời khuyến nghị các trường sử dụng theo mẫu thiết kế này", bà Sơn cho biết. Theo Tin Tức |