Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nghịch lý nghề bảo mẫu


TP.HCM có khoảng 950 trong tổng số 1.442 trường từ bậc học mầm non cho đến trung học phổ thông thực hiện mô hình bán trú. Nếu làm một phép tính đơn giản, mỗi trường chỉ có 10 lớp bán trú, mỗi lớp do một cô bảo mẫu phụ trách thì số bảo mẫu cũng đã xấp xỉ lên đến 10.000 người.

Đó là chưa kể những trường thực hiện bán trú hoàn toàn với hơn 50 lớp thì con số này còn lớn hơn nhiều. Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và Cần Thơ cũng đã có mô hình bán trú ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Con số bảo mẫu tuy chưa thống kê được nhưng vẫn là con số khá lớn.

Phần lớn các cô bảo mẫu tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học chuyên nghiệp, ký hợp đồng công việc trực tiếp với nhà trường, được nhà trường đóng bảo hiểm y tế. Do không có trong danh sách định biên của nhà trường nên các nhà trường quy định chi trả lương cho bảo mẫu số tiền 60% trích từ nguồn thu phí tổ chức bán trú cho học sinh.

Bảo mẫu phân phối suất ăn trưa cho các cháu

Tính ra hằng tháng, bảo mẫu được nhận từ 12.000 đến 18.000 đồng/học sinh. Tùy vào sĩ số học sinh ở từng lớp mà mức lương bảo mẫu dao động trong khoảng trên dưới một triệu đồng/tháng.

Trách nhiệm của bảo mẫu rất lớn. Họ phải chăm sóc học sinh từ 6 giờ 30 sáng tới 18 giờ chiều. Các bảo mẫu tận tụy trong từng miếng ăn, giấc ngủ của các em, chăm sóc các em từ cái răng cái tóc. Trong giỏ xách của cô bảo mẫu có đủ thứ đồ dùng sơ cấp cứu thông thường như dầu cù là, băng bông, thuốc sát trùng, băng keo cá nhân. Thậm chí cả băng vệ sinh cũng được các cô đem theo để giúp các em nữ sinh trong ngày có nguyệt kỳ. Khi chẳng may có học sinh nào bị té, trầy xước, mọi "tội lỗi" lại đổ lên đầu cô bảo mẫu.

Trách nhiệm thì như thế nhưng quyền lợi lại chẳng có gì. Những ngày lễ tết, bảo mẫu không có tiền thưởng. Bảo hiểm y tế cho bảo mẫu thì có trường mua, trường không. Bảo mẫu có công tác lâu năm cũng chẳng được tăng lương vì không nằm trong hệ thống biên chế của ngành giáo dục nên chẳng có bậc lương, hệ số lương.

Nụ cười sau bữa ăn trưa

Vào kỳ nghỉ hè, học sinh không tới trường nên ba tháng hè không có phí bán trú. Bảo mẫu không có lương suốt mùa hè. Lương không có nhưng bảo mẫu vẫn phải đến trường để làm công việc vệ sinh, phục vụ các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

Nghịch lý xuất phát từ chính khoản thu. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: "Những khó khăn, bất cập này các trường đều biết nhưng không thể giải quyết được. Lý do là TP.HCM đang thực hiện theo Văn bản số 1547 năm 2000 của UBND TP.HCM về việc cho phép thực hiện các khoản thu trong ngành giáo dục. Những khung giá của bảng thu này lại giống như khung giá trong Hướng dẫn số 1299 ban hành năm 1998".

Cụ thể: Phí tổ chức quản lý bán trú được quy định từ 20.000 đến 30.000 đồng/học sinh đối với từng bậc học, từng khu vực dân cư nội thành hay ngoại thành. Tính đến thời điểm này, mức thu theo quy định trên đã áp dụng được gần 10 năm, mỗi măm trượt giá trên dưới 10% nên mức lương của bảo mẫu vẫn giữ nguyên.

Mới đây, đề án học phí mới một lần nữa khẳng định cấp học tiểu học, học sinh thuộc diện chính sách, thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia được miễn học phí. Các đối tượng cận nghèo và gia đình chính sách cũng được giảm học phí. Như vậy, đề án học phí mới khẳng định cấp học tiểu học được miễn phí hoàn toàn. Và nếu miễn phí hoàn toàn thì lấy nguồn thu nào để chi trả lương cho các bảo mẫu, bởi phí bán trú cũng là một loại phí đương nhiên được miễn.

Ngành giáo dục cần công nhận bảo mẫu là một nghề để tính toán đến quỹ lương cho bảo mẫu. Trong nhà trường, công tác bảo mẫu cũng quan trọng không kém công tác dạy dỗ của các thầy cô.

Theo Báo Pháp Luật