Người trông trẻ
Hôm nay mẹ đã quyết định cho cô Mười trông trẻ nghỉ việc. Tuần trước, chị hàng xóm kể với mẹ rằng cô cho con ăn kem và thậm chí uống cà phê sữa khi con đòi.
Mẹ đã giật mình. Cô chiều chuộng con, ẵm con đi rong suốt ngày nên con cũng rất thích cô, dù cô mới làm có bốn tháng thôi. Nhưng bây giờ mẹ nhìn lại cách cô nuông chiều con và thấy rõ sai lầm của mình.
Cô cho con thức khi con không muốn ngủ. Cô cho con xem tivi lúc con ăn. Cô cho con nếm mọi thứ con đòi, bất kể thứ đó có ích hay có hại. Có lẽ sự dễ dãi đó khiến con theo cô. Mà con theo cô cũng phải, bởi cô ở bên con suốt mười tiếng đồng hồ mỗi ngày, chứ không phải mẹ.
Cô Mười có vẻ thương con lắm. Và chính điều đó khiến mẹ yên tâm thời gian đầu. Nhưng đến hôm nay, mẹ không thể chấp nhận được nữa khi cô Mười dạy con gọi cô là "má". Con của mẹ mới hơn 13 tháng tuổi, mới bập bẹ tập nói, chưa biết gọi từ "mẹ", nhưng lại biết gọi "má". Và gọi một người khác. Mẹ không nhói lòng sao được?
Mẹ
Mẹ chỉ nghỉ sinh được ba tháng, vì đã lỡ "xài" mất một tháng trước khi sinh. Bởi vậy ngay từ khi sinh con ra mẹ không dám ôm ấp con nhiều, sợ con đeo mẹ quá. Mẹ tập cho con ngủ nôi bên phòng bà nội, bú bình với sữa mẹ vắt ra. Nhiều đêm thức giấc mẹ qua ngồi ngắm con, con trở mình khóc mà mẹ không dám ẵm lên ru, đành để bà nội ẵm. Vì bà nói sợ con sẽ quen hơi mẹ mà quấy đêm làm mẹ mất giấc, sáng mai đi làm không nổi. Thời gian này công việc của mẹ rất nhiều.
Mỗi ngày, mẹ dậy sớm cho con bú, rồi đi làm đến tận chiều. Khi về mẹ lại phải lo cơm nước, trong khi bà đã tắm cho con, thay quần áo mới và cho con ăn cữ tối. Khi mẹ rảnh rang để ôm con vào lòng, chơi với con, cho con bú và ru con ngủ thì đã gần chín giờ tối. Và con sắp ngủ mất rồi.
Gần một năm trôi qua như vậy, cho đến một ngày mẹ chợt giật mình khi nhận ra con thấy mẹ không đòi mẹ ẵm nữa, nhưng mẹ đang ẵm mà thấy bà nội thì giơ tay.
Bà nội
Bà nội chỉ có đứa cháu trai duy nhất. Cháu đích tôn. Bà cưng cháu nhất trên đời. Gặp ai bà cũng nói: "Tui cưng thằng nhỏ này còn hơn cưng ba nó hồi xưa". Mỗi lần nghe vậy mẹ lại cảm thấy khó chịu, như thể bà muốn giành con làm của riêng.
Rồi thì thỉnh thoảng cuối tuần, mẹ đút cho ăn thì con gắt gỏng. Nhưng chuyển qua bà nội đút thì con ăn thun thút.
Rồi mẹ thấy bà nội như là người chứng kiến con lớn lên chứ không phải mẹ. Con lật. Con trườn. Con tập ngồi. Con biết vỗ tay. Con nhú cái răng... Bao nhiêu lần đầu tiên của con mẹ không được chứng kiến, chỉ toàn nghe bà nội kể lại. Từ đầu tiên con phát âm cũng là tiếng "bà".
Mẹ lo lắng đến mất ngủ khi thấy con theo bà nội hơn theo mẹ. Vì vậy mẹ quyết định thuê cô Mười trông con, mặc kệ ba can ngăn, khiến bà nội buồn mà bỏ về quê.
Và con
Chiều nay, sau nhiều tháng, mẹ mới tự tay cho con ăn. Con không chịu nằm trên ghế ăn nữa. Con đòi ngồi vào lòng mẹ. Chiều nay, lần đầu tiên mẹ mới tự tay tắm cho con. Lần đầu tiên mẹ thoa dầu tắm lên cổ khiến con nhột. Và con nhìn mẹ cười nắc nẻ. Kiểu cười mẹ chưa từng thấy.
Mẹ nhận ra mình thật tệ, lâu nay vì chút bận rộn và cả ngại ngần mà mẹ đã bỏ quên mất những niềm hạnh phúc bé nhỏ này. Và mẹ chợt hiểu, tâm hồn và cảm xúc của con như tờ giấy trắng, không thể xây đắp mối yêu thương gắn bó giữa mẹ con mình nếu không dành thời gian cho nhau.
Mẹ nghĩ đến lời ba nói: "Con quấn cô Mười thì em yên tâm. Còn con quấn bà nội thì em lo lắng. Trong khi cô Mười là người dưng, còn bà nội là máu mủ ruột thịt. Em thấy em có lý không?" Mẹ hiểu ý ba. Mẹ không có lý. Có lẽ mẹ đã bị cảm xúc chi phối. Mẹ bực dọc khi con quấn quýt bà, không chỉ vì sợ con hờ hững với mẹ mà còn bởi sự ghen tị thường tình của người phụ nữ.
Con yêu của mẹ. Cuối tuần này ba mẹ sẽ đưa con về quê, xin lỗi bà nội và rước bà nội lên với mình. Mẹ cũng sẽ không "khoán" hết việc chăm sóc con cho bà nội nữa, mà sẽ cùng với bà tìm cách sắp xếp công việc để gần gũi con hơn. Mẹ và bà sẽ chia thời gian để chăm sóc con, và cũng là để yêu thương con.
Mẹ sẽ nói với bà rằng, con sẽ vô cùng hạnh phúc nếu được tận hưởng cả sự chiều chuộng của bà lẫn sự nghiêm khắc của mẹ để lớn lên. Phải vậy không, thiên thần nhỏ của mẹ?
Theo Lam Anh - Sài Gòn Tiếp Thị