Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ bị ngộ độc thuốc gia tăng


Trong số các loại thuốc mà trẻ thường hay uống nhầm thường có thuốc thần kinh, thuốc dạng xi-rô. Đặc biệt có khá nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc bởi thuốc tránh thai. Các bé thấy mẹ uống thuốc vào mỗi tối, chúng tò mò và cũng đòi uống. Mẹ chúng không cho uống lại càng kích thích trí tò mò cao độ của trẻ. Cho đến khi thấy mẹ sơ ý, chúng vớ được vỉ thuốc và... làm nguyên cả vỉ! Theo một nghiên cứu của bác sĩ Bùi Quốc Thắng, giảng viên khoa Nhi Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trong số trẻ bị ngộ độc cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ tháng 6/2001 - 6/2002, có hơn 40% là do cha mẹ cho uống nhầm thuốc hoặc uống thuốc quá liều. Dùng thuốc như dùng dao Hầu như ngày nào tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận vài trường hợp trẻ em bị ngộ độc do uống nhầm thuốc. Việc uống nhầm thuốc có nhiều nguyên nhân: do các em vô tình uống phải hoặc do chính cha mẹ cho uống nhầm thuốc hoặc cho uống quá liều, gây hậu quả đáng tiếc. Ngày 27/4/2004, có 2 bé mới được 4 tháng tuổi bị ngộ độc do dùng thuốc. Các em có triệu chứng co giật, hôn mê, mắt trợn ngược với cùng lý do: đi chích ngừa về bị sốt và ói mửa, gia đình cho uống thuốc chống ói quá liều. Bác sĩ Luân, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bé Lê Thúy Vy, 4 tháng tuổi được mẹ cho uống đến 1/4 viên thuốc chống nôn primperam - liều lượng này có thể dành cho một người nặng 40 kg! Còn bé Đặng Hữu Thọ (Bến Tre) thì được cha mẹ cho uống vài ba loại thuốc "gì đó" cùng lúc. Chị Đặng Thị Khen, mẹ bé Thọ bối rối: "Bố cháu ra trạm xá xin thuốc. Họ cho 3 loại thuốc tất cả. Hai loại màu vàng, một loại màu trắng gì đó...". Có thể nói, tác nhân gây ngộ độc thuốc hàng đầu cho trẻ em chính là sự thiếu hiểu biết của bố mẹ. Ở nước ta, khi trẻ ốm, các ông bố bà mẹ đều rất sốt sắng cho dùng thuốc, nhưng không uống theo chỉ định của bác sĩ mà gia đình tự "kê đơn" cho con hoặc chỉ hỏi qua y tá hoặc dược sĩ - nhân viên bán hàng ở các quầy thuốc tây. Theo bác sĩ Bùi Quốc Thắng, có gia đình tự ý tăng liều vô tội vạ cho trẻ với ý nghĩ càng uống nhiều thuốc càng... mau khỏi bệnh. Trong khi cơ thể của trẻ còn rất yếu ớt, chỉ cần hơi quá liều sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm. Cũng theo nghiên cứu trên của bác sĩ Bùi Quốc Thắng, trong số những trẻ em bị ngộ độc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì hơn 70% cha mẹ có trình độ học vấn thấp, chủ yếu là lao động chân tay, mải làm nên không có thời gian tìm hiểu thông tin về việc chăm sóc con cái. Rất nhiều ông bố bà mẹ khi con ốm đã cho con uống những loại thuốc mà chính họ cũng chẳng biết là thuốc gì... Một phụ nữ trẻ bán hàng xén tại Q.6, TP Hồ Chí Minh, có con bị ngộ độc vì uống thuốc quá liều, hồn nhiên kể: "Em cũng mua một cuốn hướng dẫn nuôi con dày lắm, nhưng làm biếng đọc nên đã cho hàng xóm mượn". Sự bất cẩn của cha mẹ Trẻ em bị ngộ độc do dùng thuốc thường rơi vào lứa tuổi từ 5 tuổi trở xuống, lứa tuổi mà cơ thể của trẻ còn rất non nớt trước những tác động của thuốc. Mặt khác, đây là tuổi trẻ rất tò mò, nên trẻ ngộ độc do tự uống nhầm thuốc chiếm gần 40% các ca ngộ độc của trẻ. Hầu như gia đình nào cũng có vài loại thuốc thông dụng và sự chủ quan trong việc bảo quản thuốc đã dẫn đến một số trường hợp trẻ bị ngộ độc. Thói quen thường thấy ở các gia đình là để sẵn thuốc trên đầu giường hoặc trong hộc tủ, có gia đình cẩn thận hơn thì cất thuốc trên nóc tủ mà quên rằng trẻ vốn hiếu động, chúng có thể bắc ghế trèo lấy thuốc và... uống thử. Thậm chí, có bà mẹ còn lấy cả những vỉ thuốc cho trẻ chơi để rồi chúng ăn lúc nào cũng không hay. Ở nông thôn, dạng ngộ độc thường gặp là thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, xăng dầu. Đặc biệt loại thuốc chuột Trung Quốc dạng hạt gạo, các em bé tưởng là đồ ăn nên cho vào miệng. Các loại hóa chất như xăng, dầu hôi ở nông thôn nhiều nhà vẫn có thói quen để ở gầm giường, thậm chí ở cạnh chai nước uống dẫn đến chuyện trẻ uống nhầm. Thậm chí, có trường hợp mẹ rót nhầm xăng cho con uống... Thống kê hằâng năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy tình hình trẻ ngộ độc do dùng thuốc có chiều hướng gia tăng. Điều đó cho thấy rằng việc chăm sóc cho trẻ của nhiều gia đình chưa được chú trọng. Để phòng tránh cho trẻ những tai nạn đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh cần học hỏi những kinh nghiệm nuôi dạy con cái qua sách báo và các phương tiện truyền thông. Hồng Dung(Thanh Niên)