Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con đến tuổi thích 'vặn vẹo'


Mỗi tối, bé Bom được mẹ đọc truyện cổ tích. Đến hình ảnh minh họa hoàng tử hôn công chúa say đắm, bé bất ngờ hỏi: 'Tại sao chú này lại ăn môi cô này hả mẹ?'...

Không thể tránh né câu tò mò của con, Huế (mẹ bé Bom) giải thích qua loa: "Đấy là hình trong truyện con ạ". Tuy nhiên, bé Bom tiếp tục thắc mắc: "Hôm trước, con xem phim cũng có cảnh đó mà?". Lúc này, Huế đành ậm ừ: "À, người ta có thể làm phim từ truyện" mà vẫn lo con sẽ "vặn vẹo" thì mẹ không biết ứng phó ra sao.

Dù tự biết nói với con như thế là chưa khoa học nhưng Huế cũng không biết trình bày thế nào về tình yêu cho con trai (hơn 3 tuổi). Nếu kể chuyện tình yêu của hoàng tử và công chúa thì Huế lo sợ, con sẽ bắt chước, không tốt.

Ảnh minh họa.

Cậu con trai (4 tuổi) nhà Linh cũng rất thích hỏi lại khi cảm thấy lời nói của người lớn chưa thỏa đáng. Một lần, bé tắm xong nhưng chưa chịu mặc quần áo mà cứ chạy lung tung khắp nhà, bà nội bực nên mắng: "Mày có đứng lại không? Ăn đòn bây giờ?" thì bé "vặn" lại rất nhanh: "Sao bà lại gọi con là mày? Con tên là Gia Bảo, tên ở nhà là Bờm mà. Bà nội đừng gọi con là mày nữa nhé" khiến cả nhà không nhịn được cười. Lúc đó, bà nội cũng hết giận và bảo: "Ừ, con ngoan, bà không gọi con là mày đâu".

Còn nhớ không ít lần, Linh lúng túng trước kiểu "hỏi vặn" của con. Nếu bé Bờm hỏi: "Mẹ ơi, sao con chim lại biết bay?" thì Linh trả lời: "Vì nó có cánh con ạ". Ngay lập tức, bé sẽ hỏi lại: "Sao cái quạt cũng có cánh mà không thể bay?". Nếu mẹ tiếp tục trình bày: "Vì con chim là động vật, cánh quạt là đồ vật. Động vật thì biết ăn, biết ngủ, còn đồ vật không như thế" thì con lại hỏi khó: "Sao con vịt có cánh lại không bay được trên trời hả mẹ?". Nếu Linh kiên nhẫn giải thích: "Có loại vịt bay được trên cao, gọi là vịt trời" thì con háo hức: "Thế có con gà trời không mẹ?"... Cứ như thế, mẹ giải thích một sự kiện gì, bé Bờm cũng phải hỏi lại cho đến khi chán thì thôi.

Tránh ‘hớ' khi giải thích cho con

Phần lớn các bé không chịu dừng lại trước một đáp án của cha mẹ mà thích "vặn vẹo" lại. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh rơi vào tình huống khó xử vì sợ lời giải thích không logic sẽ làm hại con.

Vì thế, cha mẹ cần cẩn trọng trong lời nói. Trái với suy nghĩ của nhiều người lớn, trí nhớ của các bé khá tốt. Do đó, một câu chuyện của cha mẹ có thể khiến bé ghi nhớ rất lâu và đến một lúc nào đó, bé sẽ "vặn" lại cha mẹ. Cho nên, những đáp án thiếu tính chặt chẽ của phụ huynh có thể khiến bé hoang mang vì không biết đâu là đúng, đâu là sai.

Điều này cũng tương tự như rất nhiều đáp án cha mẹ chọn cho câu hỏi: "Con chui ra từ đâu?", có người mẹ giải thích: "Con chui ra từ bụng mẹ" nhưng cũng có người nói: "Con chui ra từ rốn của mẹ" hay "từ nách bố"... Nếu coi việc dạy con là qua loa thì đến một ngày bé sẽ hỏi: "Thế con chui vào bụng mẹ bằng cách nào?" hoặc "Làm sao con chui ra ngoài được?"... Chưa kể, những hình ảnh về việc sinh em bé ngày nay rất phổ biến, bé có thể quan sát được trên tivi, trong truyện rồi tự so sánh với lời giải thích của cha mẹ.

Nếu bé hỏi về chuyện "nụ hôn" có thể giải thích đó là cách biểu lộ tình yêu. Chẳng hạn, vì công chúa và hoàng tử yêu nhau nên hôn nhau, bố và mẹ yêu nhau nên cũng hôn nhau, mẹ yêu con nên hôn con... Dần dần, bé sẽ hiểu được, kiểu hôn môi chỉ dành cho người lớn.

Với bất kỳ câu hỏi nào của con, cha mẹ cũng cần đặt trong một trật tự, có thể đi kèm với những kiến thức khoa học đơn giản để bé phân biệt được sự khác nhau giữa vật này với vật khác, chuyện này với chuyện khác... Không những thế, nếu bé có bất ngờ "vặn lại" cha mẹ cũng biết cách ứng xử logic, tránh được trường hợp không biết trả lời thế nào.

Theo Mevabe