Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi: Bài toán khó


Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục, trong đó có nội dung phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi.

Điều này có nghĩa, từ năm học 2010-2011, mọi trẻ em năm tuổi sẽ được "dung dăng dung dẻ" đến trường. Nhưng với thực tế về đội ngũ giáo viên (GV) và cơ sở vật chất ở các trường mầm non (MN) hiện nay, liệu ngành giáo dục của chúng ta có thực hiện nổi hay không?

"Trường điểm" sẽ bị áp lực sĩ số
Được xem là một trường MN "đáng mơ ước" của TP.HCM, Trường MN 19/5 (Q.3, TP.HCM) có cơ sở vật chất hiện đại với đội ngũ GV đủ chuẩn. Mặt khác, đây lại là "trường điểm" của thành phố, trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý, nên trường cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn về chuyên môn khi thực hiện việc phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng nhà trường, "khi phổ cập, chắc chắn trường chúng tôi sẽ bị áp lực về sĩ số".

Tình trạng thiếu giáo viên khiến việc phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi rất khó khăn

Năm học 2009-2010, Trường MN 19/5 có 213 trẻ năm tuổi, được chia làm bốn lớp, như vậy mỗi lớp đã hơn 53 bé. Mỗi lớp này do hai GV và một bảo mẫu phụ trách. Một GV ở lớp năm tuổi của trường này cho biết: "Nếu tăng sĩ số lên nữa thì phòng ốc sẽ rất chật chội và GV cũng không bảo đảm dạy đạt chuẩn chất lượng của Bộ GD-ĐT".

Theo một số lãnh đạo các trường MN "có tiếng" khác, khi phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi, họ sẽ càng bị áp lực sĩ số hơn hiện nay rất nhiều. Bởi theo họ, khi đã phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi và lấy đó làm thước đo để trẻ vào cấp tiểu học thì phụ huynh càng chú tâm đến việc tìm trường tốt cho con.

Nan giải vấn đề thiếu giáo viên
Đặt vấn đề về việc "phổ cập giáo dục MN cho trẻ năm tuổi", ông Bùi Mạnh Nhị - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT - cho rằng: "Các Sở GD-ĐT phải tự cân đối chuyện nhân sự, GV... để thực hiện nội dung phổ cập". Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM có hơn 1.000 trường MN, nhưng như thừa nhận của Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM) thì số GV chính quy, được đào tạo bài bản chỉ có khoảng phân nửa, số còn lại mới tốt nghiệp THPT, thậm chí có nhiều GVMN chưa học hết lớp 9.

Bản thân các trường MN cũng cho rằng, thiếu GV vẫn là lo lắng lớn nhất khi thực hiện việc phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường MN 10 (Q.5) - chặc lưỡi: "Từ nay đến năm 2010, trường tôi sẽ tìm mọi cách để có đủ GV cho việc phổ cập, dù biết đây là việc không hề dễ dàng".

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM - thừa nhận, tình hình cơ sở vật chất và đội ngũ GV để "phổ cập" sẽ là một bài toán chưa có lời giải.

Theo dự thảo Bộ chuẩn phát triển của trẻ năm tuổi của Bộ GD-ĐT, việc dạy trẻ năm tuổi phải đạt được các "chuẩn" về giáo dục thể chất, chuẩn về phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, chuẩn về phát triển tình cảm và quan hệ xã hội. Trong đó, có nhiều chuẩn "cụ thể" như sau: Trẻ năm tuổi phải "hiểu biết và thực hành chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng như biết một số hành vi ăn uống có hại cho sức khỏe; thể hiện văn hóa giao tiếp; làm quen với việc đọc, biết tôn trọng người khác, sử dụng lời nói với mục đích khác nhau...

Theo PNO