Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thế hệ trẻ “1 triệu đô”


Một nghiên cứu ở Úc cho thấy hiện nay chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ từ bé đến trưởng thành tốn kém khoảng 1 triệu USD, bao gồm cả tiền mua đồ chơi, đi nghỉ mát...

Lớp trẻ hiện nay quen với hàng hiệu và nhiều đồ đắt tiền hơn thế hệ trước - Ảnh: News

Lớp trẻ mới được gọi là "thế hệ Z" - thuật ngữ dành cho những người sinh sau năm 1995. Nhà phân tích xã hội Mark McCrindle nhận thấy các gia đình tốn 384.543 USD để nuôi một đứa trẻ từ bé đến năm 18 tuổi mà chưa tính chi phí cho đi học tư, đi nghỉ mát hay những món đồ "không cần thiết" khác.

Họ giả định rằng thanh niên sẽ rời nhà năm 18 tuổi nhưng hiện nay thế hệ Z khó lòng làm được điều này bởi chi phí thuê nhà và các khoản thanh toán khác đang trở thành gánh nặng tài chính trong cơn khủng hoảng hiện nay. "Trong một gia đình Úc giờ đây phần lớn thanh niên vẫn ở nhà bố mẹ và cần hỗ trợ một số chi phí cho đến khi họ 24-25 tuổi. Do đó, chi phí mà mỗi gia đình phải lo cho một đứa con đến tuổi 24 hơn 800.000 USD" - chuyên gia McCrindle phát biểu trong nghiên cứu của ông.

Đó là chưa kể các khoản lặt vặt nhưng vẫn phải chi thường xuyên như đồ chơi, đi nghỉ mát, ăn tối ngoài tiệm, đi chơi công viên, thuê gia sư, tham gia câu lạc bộ thể thao, mua đồ trong phòng riêng... Chi phí này lên tới 3.000 USD mỗi trẻ một năm. "Điều này khiến tổng chi phí cho mỗi trẻ trong gia đình ở Úc khoảng gần 1 triệu USD - McCrindle nói - Như vậy, các ông bố bà mẹ giờ phải làm việc nhiều hơn để có tiền nuôi con và thế hệ Z là thế hệ tốn kém nhất từ trước đến nay".

Nghiên cứu của McCrindle dựa trên khảo sát 4.500 người Úc, thấy rằng trung bình mỗi trẻ ở nước này có hơn 100 món đồ chơi, nhưng các ông bố bà mẹ sẽ vứt chúng hay cho đi sau 5 năm. Dường như tất cả người được hỏi đều thừa nhận họ chi hơn 100 USD để mua đồ chơi cho trẻ mỗi năm, một số khác chi 500 USD. Các bé gái chỉ chơi búp bê đến lúc 6 tuổi, trong khi thế hệ bố mẹ chúng chơi đến lúc 10 tuổi. Hiện nay hơn một nửa số đồ chơi trẻ em đều dùng mạch điện.

"Thế kỷ 21 còn chứng kiến lượng trẻ sinh đôi nhiều hơn. Các chiến dịch tiếp thị lại khiến trẻ biết đến hàng hiệu, thời trang sớm hơn bố mẹ chúng. Đó là gánh nặng với các ông bố bà mẹ hiện nay" - nhà phân tích này cho biết. 1 triệu USD chi phí đó có thể chia bình quân cho các khoản như ăn uống hơn 200.000 USD, nhà cửa và đồ đạc khoảng 160.000 USD, giải trí khoảng 150.000 USD, các dịch vụ khác 150.000 USD, quần áo và thiết bị cá nhân 120.000 USD, đi lại 120.000 USD, học hành, chăm sóc sức khoẻ 90.000 USD, số còn lại dành cho các khoản lặt vặt khác.

Theo TTO