Cháo dinh dưỡng sản xuất kém vệ sinh
Cụ thể trong tuần qua, đột xuất kiểm tra 10 cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng tại quận 7, 12, Bình Tân và Gò Vấp, Thanh tra Sở Y tế TP HCM phát hiện cả 10 nơi đều vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. 4 cơ sở gồm Công ty TNHH Anh Kim (quận 12), Cơ sở cháo Nàng Hương (quận 7), Doanh nghiệp Vũ Hoàng Mai (Gò Vấp) và hộ kinh doanh Bé Bi (quận Bình Tân) đã bị tạm đình chỉ để khắc phục các sai phạm như: cống rãnh không thông thoát, môi trường sản xuất chưa đạt chuẩn vệ sinh. Một cơ sở khác cũng đã bị xử phạt hơn 12 triệu đồng do không công bố chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM, cho biết, đây là đợt kiểm tra cháo dinh dưỡng lần hai trong năm. Ở đợt kiểm tra đầu năm, trong 78 cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng có đến 19 cơ sở bị phát hiện vi phạm với tiền phạt hơn 130 triệu đồng. Cũng theo ông Hùng, điểm khác biệt so với đợt kiểm tra đầu năm là ở lần kiểm tra này, ngoài các yếu tố hành chính, quy trình sản xuất, Sở còn lấy mẫu để xét nghiệm các yếu tố vi sinh và hàm lượng các chất bảo quản. Tính đến nay, đã có 27 mẫu gồm 19 mẫu cháo dinh dưỡng thành phẩm, hai mẫu cháo khô và 2 mẩu thực phẩm chế biến cháo được đưa đi xét nghiệm. Khi các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng đang diễn ra thì trong mấy ngày qua, người dân TP HCM tỏ ra hoang mang trước thông tin cháo dinh dưỡng bị các doanh nghiệp cho chất Natri benzoat vào cháo để chống thiu. Trao đổi với VnExpress.net về thông tin trên, ông Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, phải chờ đến kết quả xét nghiệm mới có thể kết luận cháo dinh dưỡng của cơ sở nào vi phạm. "Sau khi có kết quả xét nghiệm, căn cứ theo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu cơ sở nào sai thì tùy vào mức độ, Sở Y tế sẽ có cách xử lý và chắc chắn sẽ xử lý thật nghiêm", ông Châu nói. Tại TP HCM, cháo dinh dưỡng được kinh doanh chủ yếu ở các điểm bán lẻ với đủ loại như cháo thịt, cháo cua, cháo tôm, cháo cá, cháo sữa. Với giá mỗi bao trung bình từ 4000-6000 đồng, cháo dinh dưỡng trở thành sự lựa chọn của nhiều phụ huynh có con nhỏ. Kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế, cho hay, hiện thành phố có gần 100 cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng với gần 200 dòng sản phẩm. Ông Hòa cũng cho biết, mỗi cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường phải tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm với phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Công bố này thực cập nhật 6 tháng một lần. "Việc hậu kiểm sẽ được cơ quan chức năng lập kế hoạch để tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào. Kết quả xét nghiệm nếu phát hiện vi phạm các tiêu chuẩn mà cơ sở đã công bố, hoặc phát hiện các chất phụ gia cấm, sản phẩm nhiễm vi sinh, thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm", ông Hòa nói. Khẳng định tính tiện lợi của cháo dinh dưỡng, tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, cụm từ "cháo dinh dưỡng" mà hầu hết các loại cháo trên thị trường đang sử dụng chỉ có ý nghĩa thực sự khi khi thành phần dinh dưỡng được đảm bảo và hợp vệ sinh. "Cụm từ này thường khiến phụ huynh nhầm tưởng sản phẩm này có giá trị dinh dưỡng cao nên chủ quan không bổ sung các loại thực phẩm khác cho trẻ. Trong khi đó trên thực tế, cháo dinh dưỡng cũng chỉ là một món ăn", một bác sĩ nói. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho rằng, không nên đánh đồng tất cả mọi sản phẩm cháo dinh dưỡng đều kém vệ sinh, bởi trên thực tế kiểm tra, vẫn có những cơ sở rất nghiêm túc. "Vấn đề là ở chỗ, các doanh nghiệp nếu muốn có chỗ đứng lâu dài đối với người tiêu dùng thì cần phải có đạo đức kinh doanh". Đại diện Sở Y tế TP HCM cũng cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm, những sản phẩm không đạt chất lượng hoặc có lẫn những tiêu chuẩn ngoài danh mục cho phép sẽ được công bố. Theo VnExpress |