Cấu trúc đề kiểm tra học kỳ 1 bậc tiểu học tại TP.HCM
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn công tác kiểm tra định kỳ học kỳ 1 bậc tiểu học năm học 2009 - 2010. Theo đó, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường tự ra đề, nội dung cấu trúc đề kiểm tra tương tự như năm học trước và đảm bảo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng và phân phối chương trình của từng môn học với hình thức trắc nghiệm và tự luận. Thời gian các trường thực hiện việc kiểm tra học sinh từ ngày 14 - 25.12. Sau đây là cấu trúc đề kiểm tra: Môn Toán: Nội dung đề kiểm tra được cấu trúc cân đối giữa các mạch kiến thức: Số và các phép tính (6 điểm), Đại lượng và đo đại lượng (1 điểm), Hình học (1 điểm), Giải toán có lời văn (2 điểm). Cấu trúc một đề kiểm tra có từ 5-7 bài, một bài có thể có 1 hoặc nhiều câu và số câu trong 1 đề có từ 15-20 câu. Tỷ lệ câu tự luận khoảng 60-80%, câu trắc nghiệm khách quan khoảng 20-40%. Về mức độ đề kiểm tra đảm bảo phần nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 80%, phần vận dụng khoảng 20%. Trong mỗi đề có câu hỏi kiểm tra phần kiến thức cơ bản để học sinh trung bình có thể đạt 6 điểm và câu hỏi vận dụng sâu để phân loại học sinh khá giỏi. Cụ thể như sau: Số và phép tính: Nhận biết (10-12 câu), Thông hiểu (2-3 câu), Vận dụng (1-2 câu, có thể có câu vận dụng chọn học sinh giỏi); Đại lượng và đo đại lượng: Nhận biết (1-3 câu), Thông hiểu (1-2 câu); Hình học: Nhận biết (1-3 câu), Thông hiểu (1-2 câu); Giải bài toán có lời văn: Vận dụng (2 câu). Môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý (Lớp 4-5): Mức độ đề kiểm tra đảm bảo tiêu chuẩn nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Hình thức có câu hỏi trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận. Các câu hỏi tự luận nên phát huy tính tư duy, sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên khi ra đề thi các trường không được lạm dụng câu hỏi trắc nghiệm bắt học sinh phải học thuộc lòng máy móc, ¬nhớ nhiều sự kiện. Môn Khoa học: Câu hỏi kiểm tra nên tập trung hỏi về những kiến thức phổ thông, thường thức đời sống gắn liền giữa nhà trường, gia đình và xã hội mà học sinh có thể vận dụng được. Môn Lịch sử - Địa lý: Câu hỏi kiểm tra về kiến thức lịch sử nên tập trung hỏi về: sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu theo dòng thời gian với những đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của các vị tiền nhân. Câu hỏi kiểm tra về kiến thức địa lý nên tập trung hỏi về sự vật, hiện tượng và các mối quan hệ địa lý đơn giản ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Phần trắc nghiệm thiết kế theo dạng câu hỏi lựa chọn đúng - sai, câu hỏi bài tập điền khuyết - viết tiếp, câu hỏi bài tập đối chiếu cặp đôi, câu hỏi nhiều lựa chọn... Phần tự luận: trả lời câu hỏi, phát biểu cảm tưởng, nêu nhận xét đánh giá, phân tích giải quyết một vấn đề, nêu diễn biến, kết quả thí nghiệm... Theo Báo GD&TD |