Khi bé thích quăng đồ khi nóng giận Bé Kem (3 tuổi) mỗi khi tức giận là mặt mũi đỏ gay gắt, thở hổn hển rồi có đồ vật nào xung quanh là bé vớ lấy, ném đi cho hả giận. Có lần, thấy con ném hỏng điều khiển tivi, Trang (mẹ bé Kem) lấy thước kẻ, vụt vào cái tay hay ném đồ đạc của con. Tưởng làm vậy con sẽ sợ nhưng không ngờ, lần sau, bé Kem vẫn tiếp tục ném điều khiển. Ngoài điều khiển tivi, bé Kem còn thích ném đồ chơi, quần áo, mũ, bút chì màu; thậm chí, cả thìa nhựa, cốc nhựa, mỗi khi bố mẹ làm điều gì khiến bé phật ý. Ảnh minh họa Trang chia sẻ: "Nhắc nhở thì cháu có nghe nhưng đến khi nóng nảy là quên ngay. Đánh đòn nhiều thì sợ ảnh hưởng không tốt đến con. Mang đồ vật đi cất thì con mặc kệ nhưng nếu là món đồ cháu thích thì cháu lại lăn đùng ra đất... ‘giãy đành đạch'". Dù không bằng lòng với cách nổi giận của con nhưng Trang cũng chưa tìm ra phương pháp dạy con bình tĩnh và không ném đồ vật nữa. Bé Tép (20 tháng tuổi) cứ thấy đồ chơi của các bạn là xông vào tranh, giật tóc, kéo áo bạn chơi để chiếm lấy. Ngay cả với anh (chị) họ, nếu thấy có đồ chơi thú vị, bé Tép cũng không ngại ngần "giành giật". Nếu Yến (mẹ bé Tép) ngăn con lại, giải thích làm thế này không được thì bé xị mặt xuống rồi ném đồ chơi ra ngoài cửa. Yến cho biết: "Bình thường bé rất ngoan nhưng khi không vừa ý là cháu có biểu hiện thiếu kiên nhẫn. Đồ chơi của cháu hay bất kể đồ chơi của ai, cháu cũng ném lung tung, có khi trúng cả vào đầu bố mẹ". Yến càng quát, bé Kem càng khóc rồi càng ném đồ chơi mạnh tay hơn. Có khi, bé nắm chặt đồ chơi trong tay rồi đập "chan chát" xuống sàn nhà. Nếu mẹ nhẹ nhàng thủ thỉ, hứa đưa ra ngoài xem ôtô, bé Kem sẽ bớt nguôi ngoai. Tuy nhiên, những lần nổi giận sau đó, bé vẫn không sửa được tật ném đồ đạc. Dạy con bằng mềm mỏng hiệu quả hơn nổi giận Khi bé ném đồ vật, nếu cha mẹ càng quát nạt, càng cấm đoán bé càng thích chống đối. Lúc đó, nếu không giữ được bình tĩnh, phụ huynh sẽ nổi giận cho là con ương bướng, khó bảo rồi tìm cách trừng phạt nặng tay hơn. Nhiều bé không ý thức được tác hại của việc ném đồ và coi đó như hành vi "hạ hỏa". Nếu bé đang giận, bạn đưa thứ gì cho con, bé cũng muốn hất đi. Khi bé lên "cơn" nóng, cha mẹ cần cho bé ngồi đó cho bớt tức tối. Phụ huynh cứ làm việc như bình thường, vờ như không quan tâm đến con. Tất nhiên, vẫn cần theo dõi tâm lý của con. Cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì mới tìm được cách dạy con chấm dứt tật xấu này. Nếu bé ném đồ chơi, phụ huynh có thể nhặt món đồ đó, đưa cho con rồi kể chuyện: "Khổ thân quá, bạn ôtô con vừa ném bị gãy chân rồi. Bạn ấy còn đang khóc nữa. Lần sau, con đừng làm bạn đau nhé". Do các bé giáu trí tưởng tượng nên câu chuyện của mẹ có thể khiến bé tò mò và nguôi ngoai cơn giận. Hoặc khi cầm món đồ, cha mẹ giả vờ khóc lóc, bảo rằng: "Con làm hỏng điều khiển tivi thì tối nay, mẹ xem phim thế nào?" hoặc: "Con làm vỡ siêu nhân rồi, mẹ phải vất vả lắm mới mua được đấy"... Các bé tuy hay hờn dỗi nhưng cũng biết quan tâm đến tình cảm của cha mẹ. Nếu thấy cha mẹ bị đau (hoặc khóc), bé sẽ ngừng hành vi xấu và quan sát chăm chú. Cách khác, khi thấy bé ném đồ chơi, cha mẹ hãy nhặt cái đó và vứt vào sọt rác. Có thể cảnh báo: "Con không thích thì mẹ đành vứt đi thôi". Bé sẽ "nghệt" mặt ra tiếc của và lần sau sẽ ít dám vứt đồ đạc. Tất nhiên, cách này đòi hỏi cha mẹ phải khéo để bé tưởng món đồ ấy bị vứt đi thật. Theo mevabe |