Trung Quốc: “Cháu ước gì cháu có thể ngủ thêm một chút nữa” Vào một sáng thứ 7 lạnh buốt, đồng hồ mới chỉ 6 giờ, cô bé Liu Zifan miễn cưỡng chui ra khỏi chiếc giường ấm. Hôm nay, cô bé phải đi học ở ba lớp: tiếng Trung, toán và tiếng Anh. "Cháu ước gì cháu có thể ngủ thêm một chút nữa", Liu ngậm ngùi. 12 tuổi, bé Liu hiện là học sinh lớp 7 trường cấp 2 Guangqumen Bắc Kinh. Cô bé phải mất một tiếng để đi đến trường học thêm trong sáng thứ 7. Vào buổi chiều ngày chủ nhật, Liu còn có các bài học nhạc từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối. Suốt các ngày trong tuần, Liu toàn phải dậy lúc 5 giờ sáng và rời nhà lúc 6 giờ. Dai Shengze, bạn học cùng lớp của Liu còn có một thời khóa biểu kín mít hơn vào cuối tuần. Cậu bé Dai phải học 2 giờ tiếng Trung vào tối thứ 6, học tiếng Anh và Toán vào sáng thứ 7 và lại học tiếng Trung vào chiều thứ 7. "Đơn giản là cháu không có thời gian để chơi. Cháu không có gì ngoài bài tập về nhà", Dai nói. Nhiều học sinh tiểu học và cấp 2 ở Trung Quốc có một thời khóa biểu dày đặc vào cuối tuần. (Ảnh: Tân Hoa Xã) Theo Tân Hoa Xã, hiện nay trẻ em Trung Quốc đang đối mặt với áp lực học hành ngày càng tăng. Hầu hết các bậc cha mẹ nước này đều tin rằng thành tích học cao đồng nghĩa với một trường đại học tốt hơn và một tương lai sáng sủa hơn. Vì thế, họ gửi gắm con em họ đến các lớp học thêm như âm nhạc, tiếng Anh và Toán để phát triển một năng lực đặc biệt, mà sau này có thể trở thành đòn bẩy đưa các em tiến thẳng vào một trường đại học tốt. Một số bậc phụ huynh thậm chí còn cho con em họ học trước chương trình. Các học sinh lớp 1 sẽ học trước chương trình dành cho học sinh lớp 2, và như vậy, các bậc phụ huynh nghĩ con cái họ sẽ có được lợi thế trong các kì thi. Theo Luật Giáo dục bắt buộc ở Trung Quốc, trường tiểu học và cấp 2 hệ công lập không yêu cầu thi tuyển sinh. Học sinh được chỉ định đến các trường phù hợp với nơi cư trú của các em. Tuy nhiên, một học sinh có thể đăng kí học tại trường mà mình mong muốn nếu học sinh đó vượt trội trong môn Toán hoặc tiếng Anh, hoặc có khả năng đặc biệt về âm nhạc và thể thao. Bố mẹ cô bé Liu Zifan chỉ mới tốt nghiệp cấp 2. Do đó, họ đã đăng kí cho Liu vào học thêm lớp keyboard điện tử khi cô bé mới 5 tuổi. Họ mong muốn Liu sẽ thi đỗ vào một trường đại học tốt. Liu Jinghua, bố Liu, là một lái xe taxi đã nghỉ hưu cho biết chi phí học tập cho cô con gái luôn chiếm phần kinh phí lớn nhất của gia đình. Thu nhập trung bình hàng tháng của gia đình Liu vào khoảng 1.700 NDT. Các lớp học cuối tuần của Liu khiến bố mẹ cô bé phải bỏ ra 2.000 NDT mỗi kỳ. "Tôi nghĩ điều đó thật xứng đáng với số tiền chúng tôi bỏ ra", cha của Liu nói "Chúng tôi làm tất cả mọi thứ chúng tôi có thể cho con mình một nền giáo dục tốt, để con bé có được việc làm tốt trong tương lai". Từ khi còn học tiểu học, Liu đã bắt đầu học thêm tiếng Anh vào mỗi sáng thứ 7 và các lớp tiếng Trung, tiếng Anh và Toán Olympic vào các buổi chiều trong ngày. Vào sáng chủ nhật, cô bé phải làm bài tập về nhà. Vào buổi chiều, Liu lại đến lớp học thêm tiếng Anh. "Cháu không có thời gian để xả hơi, trừ tối thứ 6", Liu kể lại. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em và Thanh niên Trung Quốc cho thấy hơn một nửa số học sinh bậc trung học cơ sở nước này phải học thêm và các em không được ngủ đủ giờ. Hơn 70% học sinh tiểu học và cấp 2 được bố mẹ gửi gắm đến các lớp học thêm. Một gánh nặng thực sự đang đè nặng lên vai các em học sinh. Bố của cô bé Liu nhận xét: "Trẻ em ngày nay có một tuổi thơ căng thẳng hơn rất nhiều so với thế hệ của tôi". Thời thơ ấu của ông là những buổi chơi đùa cùng các cậu bạn khác trong những con hẻm nhỏ. Còn ngày nay, bọn trẻ sống trong những tòa nhà cao tầng và có rất ít bạn bè chơi cùng. Nhiều đứa trẻ khác bận rộn với các buổi học thêm, chúng không có thời gian để chơi với bạn.
Còn Sun Yunxiao, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em và Thanh niên Trung Quốc, thì nhận định: "Tuổi thơ của trẻ em Trung Quốc đang ngày càng trở nên không vui vẻ gì nữa". Cứ 3 học sinh tiểu học ở Bắc Kinh thì có 1 em không có 10 tiếng để ngủ theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Một phần ba trong số các em còn không có đủ thời gian để chơi thể thao. Hầu hết các bậc phụ huynh Trung Quốc nghĩ rằng thành tích học tập cao hứa hẹn những cơ hội việc làm lớn hơn. Vì thế, cuộc cạnh tranh vào những trường đại học có uy tín đã được nhen nhóm từ bậc trung học phổ thông xuống trung học cơ sở, tiểu học và thậm chí là cả mẫu giáo. Trong khi đó, theo ông Sun Yunxiao, cốt lõi của việc giáo dục không phải là để chuyển giao kiến thức, mà để phát triển một nhân cách lành mạnh. Một khối lượng công việc nặng nề đặt trên vai trẻ em là hệ quả của những kỳ vọng cao từ cha mẹ, từ cuộc cạnh tranh việc làm khốc liệt và quan niệm sai lầm về giáo dục". Theo Dân Trí |