Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bán trường lấy đất


Trường mẫu giáo Sơn Ca đối diện là khu B chợ Bạc Liêu dự kiến được bán đấu giá.
Đó là chủ trương của UBND thị xã Bạc Liêu (TXBL): Xem xét lại các điểm trường lẻ trên địa bàn thị xã để lấy đất làm cơ sở hạ tầng.

Những điểm trường này có nơi đã bỏ hoang nhiều năm, có điểm vẫn dạy và học bình thường.

Tuy mới dừng lại ở chủ trương, nhưng có khá nhiều ý kiến trái chiều nhau xung quanh chủ trương bán trường lấy đất xây cơ sở hạ tầng của TXBL.

Xập xệ ngay mặt tiền
Đứng trước chủ trương nhiều tranh cãi này, chúng tôi đi tìm những điểm trường trong nội ô thị xã và nhận thấy có rất nhiều điều cần lên tiếng.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là dãy nhà thiết cũ nát, xập xệ chẳng thấy bóng học sinh (HS). Ở trước sân, người ta tận dụng để phơi quần áo. Đây là điểm trường có từ lâu, đã nhiều năm bỏ trống không sử dụng. Những mùa hè, các sinh viên tình nguyện chọn nơi này để làm điểm xóa mùa chữ, phổ cập cho bà con.

Theo UBND phường 2, điển trường này đã bỏ trống trên 10 năm nay, không ai quản lý. Lúc đầu nhà chưa dột, phường lấy làm điểm sinh hoạt văn hóa, bây giờ thì không còn sử dụng được nữa.

Chị Nguyễn Thị Phương - nhà gần điểm trường này cho biết: "Trường bỏ lâu rồi, có ai quản lý đâu. Tôi nghe nói nhà nước sắp bán đi không biết có đúng không".

Cũng nằm ngay trung tâm thị xã, nhưng Trường Mẫu giáo (MG) Họa Mi (điểm khu B) trên đường Cách Mạng (phường 1) là một dãy nhà đủ đón vài chục HS. Đây là căn nhà cũ được tận dụng lại làm điểm trường, vì vậy những điều kiện cần thiết cho một trường MG không đảm bảo. Cô Hoa cho biết, do điểm lẻ nên thiếu cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ việc dạy và học.

Bề thế và có giá trị nhất là Trường MG Sơn Ca (điểm khu A) nằm ngay trên đường Hoàng Văn Thụ đối diện khu B chợ Bạc Liêu. Trường MG này tồn tại khá lâu trên địa bàn TXBL. Hiện nay trường đã xuống cấp trầm trọng, nhà trường vừa mới che chắn lại những chỗ dột để làm việc. Xung quanh trường bao bọc bởi những người bán hàng rong quanh chợ vì thế khó khăn lắm chúng tôi mới tìm ra.

Có thể nói, những điểm lẻ của các trường MG, tiểu học trên địa bàn thị xã dù cơ sở vật chất không đảm bảo cho việc dạy và học, nhưng hầu hết đều nằm ngay mặt tiền đường lớn, đất có giá trị cao. Có lẽ vì vậy UBND thị xã có chủ trương xóa bỏ điểm lẻ để lấy đất bán đấu giá lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điểm trường mẫu giáo Họa Mi (khu B) trên đường Cách Mạng - phường 1 sẽ bị xóa sổ trong năm tới.
Ý kiến trái chiều
Đối với điểm trường đã bỏ hoang (đường Cao Văn Lầu, phường 2), UBND phường 2 cho rằng chuyển đổi công năng là hợp lý, vì nó đã xuống cấp trầm trọng, nhiều năm nay không có HS.

Ông Nguyễn Văn Hùng - cán bộ hưu trí ở phường 2 - nhấn mạnh: "Đúng ra thị xã nên tiếp nhận đất này để xây dựng điểm vui chơi, nơi sinh hoạt văn hóa từ lâu mới phải". Tuy nhiên, ông Hùng cũng không nhất trí với việc đem đất này bán đấu giá.

Đồng quan điểm với ông Hùng, ông Nguyễn Trung Kiên - cán bộ hưu trí ở phường 3 - cho rằng đã đến lúc cần di dời những ngôi trường gần chợ như Trường MG Sơn Ca vì môi trường văn hóa ở chợ không thể phù hợp với môi trường giáo dục.

Ông cũng nhất trí với chủ trương gom các điểm lẻ lại vì trên địa bàn TXBL điều kiện đi lại dễ dàng, không nhất thiết phải mở nhiều điểm lẻ khó thu hút phụ huynh gửi con vào đây.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, khá nhiều ý kiến không đồng ý việc di dời các điểm lẻ lấy đất bán đấu giá để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cho thị xã.

Một cán bộ cấp tỉnh - đồng thời là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh một trường lớn của tỉnh - tỏ ra khá bức xúc: "Đồng ý điểm lẻ khó thu hút HS, nhưng không thể chấp nhận việc đem trường đi bán. Nếu làm như vậy thầy trò học ở đâu. Các trường MG, tiểu học ở trung tâm thị xã đang quá tải, nếu gộp lại sẽ làm cho tình trạng quá tải tăng lên".

Theo khảo sát của chúng tôi, tại Trường Mẫu giáo Hoa Sen (phường 7, TXBL) số HS vượt gần gấp đôi theo quy định; Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm trung bình 42 HS/lớp, cao hơn nhiều so với quy định của Bộ GDĐT.

Cần những bước đi thận trọng
Việc lấy trường học - dù là điểm lẻ - đem bán đấu giá, chuyển đổi sang hình thức khác là điều cần hết sức thận trọng. Để tìm hiểu hiện nay có bao nhiều điểm trường "dự kiến" đem bán đấu giá và địa điểm cụ thể, chúng tôi liên hệ với Phòng GDĐT TXBL, được một nhân viên tại đây trả lời: Lãnh đạo Phòng GDĐT dặn không tiếp khách, dù là nhà báo, để lo cho ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Khá - Phó Chủ tịch UBND TXBL - cho biết: "Đúng là thị xã có chủ trương gom các điểm lẻ lại nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng tôi sẽ cho bán đấu giá để lấy tiền đầu tư lại cho trường học; những nơi nào chưa có trụ sở khóm chúng tôi sẽ cho làm trụ sở. Đối với những điểm đang có HS chúng tôi sẽ tiến hành sau năm học này. Tồn tại những điểm trường lẻ rất khó cho việc nâng cao chất lượng giáo dục".

Xóa điểm lẻ, lấy đất nhà trường không để phục vụ cho giáo dục cần phải được sự đồng tình cao của người dân. Vì vậy TXBL nên có bước tuyên truyền, phổ biến trong dân trước khi chính thức bắt tay vào thực hiện. Bởi hiện nay có nhiều luồn dư luận cho rằng: TXBL lấy đất trường bán đấu giá để có tiến lên đô thị.

Theo Lao Động