Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cục cưng 'to mồm'


Bé Xu (3 tuổi) được bà nội đón ở lớp mẫu giáo về là hét lớn: ‘Bà mở tivi, mở tivi'. Tiếng hét của bé chói đến mức bà nội phải nhăn mặt, nhanh tay làm theo yêu cầu của cháu nếu không muốn bị ‘điếc tai' thêm.

Nguyên (mẹ bé Xu) cho biết, từ nhỏ, bé đã thích hét bất kể lý do. Đòi ra ngoài chơi mà mẹ không đồng ý, bé Xu sẽ hét thật to; thậm chí, buồn đi tè hay muốn uống sữa, bé cũng dùng cách hét lớn để báo hiệu cho mẹ.

Có lần, chồng Nguyên hứa khi con ngủ trưa dậy sẽ đưa con đi siêu thị chơi. Nhưng đến khi bé Xu ngủ dậy thì bố (vì có hẹn đột xuất) nên đã đi vắng. Không thấy bố, bé khóc đòi rồi la hét khản cổ họng dù ông bà nội hay mẹ dỗ dành mọi cách. Cuối cùng, bố chồng Nguyên phải gọi điện để con trai về gấp không thì đến nhức đầu vì cháu nội la hét.

"Nhiều lúc phải hét lên với con: ‘Không được quát lại mẹ' nhưng cũng không có kết quả. Đánh đòn thì con càng la hét to hơn. Hét đến mức từ đầu ngõ đã nghe thấy tiếng con" - Nguyên chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Bé trai (20 tháng tuổi) nhà Quỳnh có sở thích là hét. Mẹ càng quát mắng, bé càng hét to. Chồng Quỳnh khó chịu vì con hét to, hơi nghiêm mặt lại thì bé cũng biết sợ, quay mặt đi. Nhưng chỉ một lúc, thấy mặt bố tươi tỉnh, bé lại tiếp tục hét, lần này thì cường độ nhỏ hơn một chút.

"Cháu chưa nói được nhiều nên lúc nào tức quá, không giải thích được thì sử dụng chiêu la hét. Cháu hét rất to, inh ỏi đến cô giúp việc còn sợ. Những lúc như thế thì càng giải thích, con càng hét to hơn" - Quỳnh cho biết.

Sau mỗi cơn hét, bé thường bị ho sặc sụa, cổ họng lại đỏ ửng lên khiến mẹ sót ruột. Nhiều lần Quỳnh tìm cách giải thích, dỗ dành con không được la hét nhưng không mang lại kết quả.

Ứng phó khi con thích la hét
Bé la hét khi có chuyện không vừa ý, muốn gây chú ý với cha mẹ hoặc đơn giản, đó như một thú vui. Cha mẹ dễ thấy nhiều bé khi vui đùa, phấn khích hoặc đòi thứ này, thứ kia thường hét lên rất to. Nếu mẹ càng quát lớn: "Không được hét nữa" thì bé càng nhận được "đồng minh", càng cố hét to hơn.

Vì thế, cha mẹ có thể yêu cầu: "Con nói nhỏ thôi nhé" bằng một giọng rất nhỏ, đủ để bé nghe thấy. Lần thứ nhất có thể không mang lại hiệu quả lớn nhưng lần thứ hai, phụ huynh thử phớt lờ bé, không nói gì thêm nữa, không đáp ứng yêu cầu của con, giả vờ như không quan tâm đến con nữa. Cách này cần được nhất quán và kiên trì trong một vài tuần vì khi đó, bé sẽ thấy, hét lên không được "lợi lộc" gì nên đành thôi.

Phụ huynh cũng nên làm gương bằng cách tránh la hét với con. Nhiều bé học được kiểu "nói to, quát lớn" từ cha mẹ. Cố gắng giải thích hoặc nghiêm mặt lại khi từ chối yêu cầu của con.

- Với bé từ hai tuổi trở xuống, cha mẹ nên giải thích đơn giản, ngắn gọn, có thể nói: "Mẹ đau đầu" rồi tỏ vẻ khó chịu, không hưởng ứng khi bé la hét. Cũng có thể dùng cách "đánh trống lảng" để lôi kéo sự quan tâm của bé như: "A, có con thạch sùng trên trần nhà này". Giai đoạn này, bé chưa hiểu được hết lời mẹ nói nhưng bé có thể cảm nhận sự hài lòng - không hài lòng qua nét mặt và dáng điệu của mẹ.

- Với bé lớn hơn, trước giờ đi ngủ, cha mẹ thử hỏi xem trong ngày bé làm được bao nhiêu việc tốt, việc nào còn chưa tốt. Sau đó, để bé tự kết luận, việc hét to lên là một việc tốt, hay một việc không nên.

Không phải lúc nào các bé cũng tuân theo cách dạy dỗ của mẹ. Có khi, bé rất nghe lời nhưng cũng có lúc, bé cứ gào lên, mặc mẹ dùng mọi cách. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhất quán và kiên trì trong cách dạy con, tránh dùng vật chất để "dụ dỗ" cơn la hét của bé.

Theo mevabe