TP HCM: Trẻ em đối mặt với dịch sởi nguy hiểm Số trẻ mắc bệnh sởi tại TP HCM những ngày gần đây bỗng tăng đột biến. Mỗi ngày, số bệnh nhi mắc sởi nhập viện điều trị cao nhất lên tới 24 trường hợp. Từ đầu tháng 11 đến nay, tại bệnh viện Nhi đồng 2 đã có tới 158 bệnh nhi mắc sởi điều trị nội trú. Theo thống kê của bệnh viện, từ đầu năm, BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận 1.038 ca mắc sởi, 1 ca tử vong. Đặc biệt, theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2, có sự bất thường về bệnh sởi vì một số bệnh nhi dù đã được tiêm vắc-xin ngừa sởi nhưng vẫn tái mắc bệnh sởi. Do đó, phụ huynh nên lưu ý cho trẻ tiêm lại vắc-xin ngừa sởi nếu đã tiêm cách đó rất lâu. Mũi thứ nhất nên chích ngừa cho trẻ lúc 9 tháng tuổi. Sau đó, trẻ cần được chích ngừa nhắc lại khi được hơn 12 tháng tuổi và hơn 6 tuổi. Phụ huynh lưu ý tiêm ngừa sởi cho trẻ (Ảnh minh họa) Bệnh sởi thường gặp ở trẻ từ 9 tháng tuổi, thời gian ủ bênh từ 10-15 ngày, bắt đầu với một cơn sốt, kèm theo những triệu chứng như ho, đau họng, chảy mũi, mắt đỏ. Khoảng 2, 3 ngày sau, xuất hiện những nốt nhỏ xíu với trung tâm mầu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má gọi là các đốm Koplikđốm - dấu hiệu đặc biệt của bệnh. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 40 hay 40,5 độ C. Xuất hiện nốt đỏ rất ngứa thành mảng ở mặt, sau tai, ngực, lưng, đùi và bàn chân. Biến chứng của bệnh rất nguy hiểm như loét giác mạc dẫn đến mù lòa, viêm phổi, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, bội nhiễm gây nhiễm trùng máu nên cần được điều trị kịp thời. Bệnh sởi là bệnh do virus thường lây nhanh nhất qua đường hô hấp nên cần thực hiện cách ly cho trẻ mắc sởi để tránh lây chéo. Khi chăm sóc trẻ mắc sở, cha mẹ cần chú ý theo dõi thân nhiệt hằng ngày, nhất là khi sởi bay có thể xảy ra biến chứng. Khi sởi bay mà trẻ vẫn sốt cần phải nghĩ đến biến chứng và đưa trẻ đi bệnh viện ngay. |