Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thuê sinh viên 'đóng thế' giáo viên vào buổi trưa


Với thù lao 24.000 đồng một học sinh mỗi tháng, Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội thuê một số sinh viên thay giáo viên chủ nhiệm trông lớp buổi trưa.

Theo nguồn tin riêng của Đất Việt, việc "đóng thế" giáo viên chủ nhiệm của các sinh viên từ 11h đến 14h. Sinh viên sẽ cho học sinh ăn trưa, đi ngủ và dọn dẹp lớp. "Công việc buổi trưa không nhiều: cho học sinh ăn cơm, có tiếng trống thì cho học sinh đi ngủ, trong lúc học sinh ngủ thì mình lau bảng, lau bục giảng còn thời gian thì có thể "ngả lưng" một lúc", một sinh viên "đóng thế" cho biết.

Cũng theo sinh viên này, mỗi tháng, một sinh viên làm 800.000 đồng (tương ứng với 24.000 đồng một học sinh). Đây là số tiền trích từ khoản phụ huynh học sinh đóng cho nhà trường.

Vào vai một phụ huynh học sinh lớp 5C, Đất Việt trao đổi với bà Đỗ Kim Loan, Hiệu trưởng nhà trường về vấn đề này, bà Loan xác nhận, tại lớp 5C có việc một sinh viên thay cô chủ nhiệm trông lớp buổi trưa. "Cô giáo chủ nhiệm lớp 5C bị ốm, từ đầu năm nhà trường tạo điều kiện cho cô chữa bệnh nên đã tuyển một sinh viên để trông học sinh buổi trưa", bà Loan giải thích.

Cũng theo bà Loan, do nhà trường không đủ giáo viên nên một số lớp khác (ngoài lớp 5C), cũng phải tuyển thêm sinh viên để trông học sinh vào buổi trưa. Tuy nhiên, "hầu hết sinh viên được tuyển vào trường đều là sinh viên các trường sư phạm. Khi được nhận vào làm, những sinh viên này phải nộp hồ sơ và được phổ biến các nội quy của trường. Đồng thời, mỗi buổi trưa nhà trường có bảo vệ hoặc trực ban đi kiểm tra", bà Loan nói.

Tuy nhiên, sinh viên Đất Việt tiếp cận không phải là sinh viên của trường sư phạm.

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hồi Loan, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, nếu sinh viên không qua trường lớp đào tạo sư phạm thì không thể đảm nhiệm công việc trông học sinh trong suốt ba giờ buổi trưa vì mọi hoạt động liên quan đến học sinh đều mang tính giáo dục.

"Bữa ăn, giấc ngủ đối với học sinh rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả giờ học nên không thể coi thường công việc này. Hơn nữa, lời ăn, tiếng nói, cư xử với học sinh phải đều phải mang tính sư phạm chứ không phải là cư xử xã hội. Ví dụ, tình huống trẻ không chịu ăn, chịu ngủ, vì không được đào tạo qua các lớp sư phạm, tâm lý trẻ, những sinh viên này có thể cáu gắt, dùng những lời nói, hành vi phi giáo dục thì sẽ gây tổn thất cho trẻ. Tuy những sinh viên này đều là người có tri thức nhưng họ không có nghiệp vụ sư phạm nên cũng không thể đảm nhiệm được công việc này", ông Loan giải thích.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD - ĐT Hà Nội cũng cho rằng, đây là "một trường hợp lạ". "Tùy thuộc vào tình hình nhân lực của nhà trường mà trường có thể ký hợp đồng với những người phù hợp trình độ công việc như: hợp đồng tạp dịch hay hợp đồng giáo viên thiếu ...Trường hợp thuê sinh viên bên ngoài về trông học sinh buổi trưa, tôi chưa gặp bao giờ", ông Dũng nói.

Tuy không nói việc làm của tiểu học Yên Hòa đúng hay sai nhưng ông Dũng khẳng định, việc tuyển người vào làm trong môi trường sư phạm là không thể tùy tiện.

Theo Báo Đất Việt