Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những nỗi sợ hãi của bé


Bé Ổi (3 tuổi) không chịu ngủ riêng phòng vì cái nút phát sáng trên bảng công tắc điện. Khi tắt điện đi, bé thường kêu lên: ‘Có mắt của con ma đang nhìn con'.

Diệp (mẹ bé Ổi) giải thích với con rằng, đó là nút phát sáng trên bảng công tắc điện. Nếu cái nút đó sáng tức là báo có điện, nút đó tối là không có điện. Tuy nhiên, bé Ổi nhất định không chịu. Bé thích chùm chăn kín đầu vì mẹ không đồng ý cho ngủ chung với bố mẹ. "Vì vợ chồng đang ngủ cùng em của bé nên phải tập cho bé ngủ một mình" - Diệp nói.

Để trấn an tinh thần của con, Diệp đã nghĩ đến cách dùng băng dính đen, dán cái nút phát sáng đó lại. Nếu không, cô có thể thắp một bóng đèn ngủ trong phòng cho con. Nhưng Diệp không muốn làm như thế. ‘Tôi muốn con hiểu không có ma quỷ nào hết. Để con phải đối mặt và vượt qua cảm giác sợ hãi" - Diệp chia sẻ.

Tuy nhiên, làm sao để con gái 3 tuổi không khóc và bị ám ảnh bởi "mắt ma" thì Diệp vẫn chưa nghĩ ra cách hiệu quả. Mỗi tối, cô ở bên cạnh con, đến khi, con ngủ sâu mới ra khỏi phòng. Thế nhưng cũng có hôm, mẹ vừa bước chân ra cửa thì con đã khóc lóc bám theo.

Ảnh minh họa.

Bé Bin (5 tuổi) rất nghịch ngợm, thích chạy nhảy nhưng lại sợ sấm sét. Đang ngồi trong nhà, chỉ cần một ánh chớp lóe lên là bé Bin đã chạy tới ôm chầm lấy mẹ, có lúc, bé còn hét lớn: "Mẹ ơi, cứu con". Dù Thùy - mẹ bé Bin đã giải thích với con rằng, ở trong nhà thì rất an toàn nhưng bé Bin vẫn chưa hết sợ.

Hôm nào, đi ngủ vào buổi tối trời mưa, bé cũng chùm gối, chùm chăn kín đầu, dù người chảy mồ hôi. Nếu trời nóng quá thì bé đòi mẹ phải bật quạt nhưng lại phải đóng kín tất cả các cánh cửa trong phòng.

Ngoài sợ sấm sét, bé Bin còn hoảng hốt với con chó béc-giê của cửa hàng tạp phẩm đầu ngõ. Có lần, bé được mẹ cho tiền đi mua sữa nhưng một lúc Thùy lại thấy con cầm tiền trở về, vừa đi vừa chạy. Hóa ra, có con chó bị xích ở gốc cây, gần cửa quán nên bé sợ. Ngay cả những khi đi cùng mẹ, bé Bin cũng nhất định không theo mẹ vào cửa hàng nếu phát hiện ra con chó. Bé sẽ đứng ở góc xa, chờ mẹ mua xong rồi hai mẹ con cùng về.

Thùy cho biết: "Động viên rằng con chó đã bị xích nhưng bé vẫn không dám lại gần. Bé là con trai nhưng nhút nhát lắm".

Cùng con vượt qua những nỗi sợ
Sợ bóng tối, sấm sét hay động vật là những nỗi sợ phổ biến với các bé. Đây là sự phát triển tâm lý khá bình thường ở bé vì bé ý thức được, những vấn đề đó có thể gây nguy hiểm cho bản thân.

Nếu bé sợ bóng tối và hay tưởng tượng "mắt của con ma" do nút phát sáng của công tắc đèn, tivi hay điều hòa (khi đã tắt hết điện), cha mẹ có thể giải thích cho con về nguyên tắc hoạt động của chúng. Những lúc rảnh rỗi, cần chơi cùng con bằng cách phụ huynh thử tắt đèn, chỉ cho bé cái nút phát sáng trong phòng và hướng dẫn bé dùng điều khiển (tivi, điều hòa) để bật - tắt nút đó.

Cha mẹ có thể cho bé tiếp xúc với bóng tối bằng cách đi cùng bé ra ngoài trời tối. Thường đi vào buổi tối, bé sẽ nắm chặt tay cha mẹ do sợ sệt. Do đó, cần tạo không khí thoải mái cho con, chỉ cho con thấy ánh sáng của đèn, cái bóng của cây cối chứ không có ma quỷ nào hết...

Cách khác để bé đương đầu với bóng tối khi ngủ riêng là cần bật đèn ngủ, ở bên cạnh con khi con ngủ say. Phụ huynh tránh quát tháo hay mắng mỏ cho là bé vớ vẩn, chỉ nghĩ lung tung. Do nhận thức ở các bé chưa đầy đủ nên tâm lý sợ bóng tối là điều khó tránh. Nếu bé vẫn ám ảnh bởi bóng ma, có thể dùng cách "thỏa hiệp với cảm xúc của con": Có thể chuẩn bị một cây gậy hoặc một chiếc điện thoại và nhắn với bé rằng, nếu ma quỷ đến, con hãy dùng gậy đánh chúng rồi gọi điện thoại cho bố mẹ.

Nếu bé sợ sấm sét hay động vật, cha mẹ cũng cần giải thích cho con, tình huống nào là nguy hiểm, tình huống nào là an toàn. Theo đó, nếu con chó đã được xích lại thì khá an toàn, bé có thể cùng mẹ bước qua chỗ con chó một khoảng cách nhất định thì không sao cả.

Cha mẹ không nên lấy nỗi sợ để đe nẹt hay hăm dọa khi bé hư. Làm như thế, bé càng sợ hơn và điều đó sẽ cản trở bé hòa nhập với cuộc sống xung quanh. Nếu bé đã bước qua được nỗi sợ một lần thì những lần sau, tâm lý của bé không còn khủng hoảng nữa. Khi lớn hơn, những nỗi sợ này của bé cũng tự nhiên biến mất.

Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần theo dõi tâm lý của con. Nếu bé quá khủng hoảng với một nỗi sợ nào đó, cần đưa bé đi khám tâm lý.

Theo mevabe