Giun kim 'quấy rối' trẻ mẫu giáo Dù đã được tẩy giun mỗi năm hai lần nhưng có 5% trẻ học mẫu giáo ở TP HCM nhiễm giun kim, theo một nghiên cứu vừa công bố của Đại học Y dược TP HCM. Trong nghiên cứu trên, các chuyên gia xét nghiệm tìm trứng giun kim (Enterobius vermicularis) trên 2.300 trẻ được chọn ngẫu nhiên ở các lớp mẫu giáo khu vực nội và ngoại thành. Nạn nhân chủ yếu là trẻ ngoại thành Tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh tăng dần theo nhóm tuổi. Lớp lá (5 tuổi), tỷ lệ nhiễm giun xấp xỉ 34%, trong khi trẻ lớp cháo cơm (dưới 3 tuổi) có tỷ lệ nhiễm 13%. Nguyên nhân là trẻ lớn bắt đầu biết ăn vặt, tự chơi một mình nhưng ý thức vệ sinh vẫn chưa có. Số trẻ ăn quà vặt nhiễm giun cao gấp đôi số trẻ ít ăn hoặc không ăn. Các trẻ nhỏ hơn chủ yếu được ẵm, hoặc chỉ biết ăn cháo, ăn cơm, uống sữa đã được nấu chín. Các kỹ thuật viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang xét nghiệm giun kim cho trẻ. Ảnh: Lê Hưng. Ngoài ra, trẻ có bố mẹ làm cán bộ công nhân viên có tỷ lệ mắc bệnh chưa tới 4%, trong khi trẻ sống trong gia đình làm ruộng lại có tỷ lệ nhiễm giun đến 11%. Có thể gây rối loạn thần kinh Ngoài ra, trẻ nhiễm giun thường bị rối loạn tiêu hóa như hay đau bụng, biếng ăn, buồn nôn, tiêu chảy, quấy khóc do giun hút những chất dịch trong ruột. Những trẻ nhiễm nhiều giun hoặc nhiễm thường xuyên dễ bị rối loạn thần kinh. Bệnh nhi hay mê sảng, co giật, thậm chí động kinh. Nguyên nhân là giun đẻ trứng ở rìa hậu môn vào ban đêm, khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, dẫn đến mất ngủ; hoặc do giun tiết ra độc tố khiến cơ thể bị rối loạn chuyển hóa. Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, cho biết, bệnh mang tính chất gia đình. Nếu nhà có trẻ bị nhiễm giun, người thân cũng có khả năng mắc bệnh do chăm sóc và sống chung với bé. Trứng giun kim được phát tán dễ dàng do bám vào móng tay khi trẻ gãi hậu môn, trứng dính vào áo quần, chăn, chiếu. Ngoài ra, trứng giun còn bay trong không khí bất kể thời tiết lạnh nóng, thậm chí có mặt khắp nơi từ bàn học, sàn nhà đến dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ nhiễm bệnh. Do đó, cần vệ sinh cá nhân, môi trường thường xuyên, luôn giặt giũ, phơi nắng áo quần, giường chiếu, chăn màn và xổ giun định kỳ mỗi năm hai lần. Phụ huynh không cho trẻ cầm thức ăn khi tay bẩn hoặc ăn thức ăn trước cổng trường không được kiểm soát. Theo Đất Việt |