Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bất kể ai – bé cũng đánh


Bé nhà chị Hoa được 27 tháng tuổi rồi. Nhưng anh chị rất phiền lòng vì bé hay đánh người khác. Mỗi khi có điều gì không vừa ý, bé lăn ra ăn vạ rồi đánh bất kỳ người nào ở gần đấy. Chị Hoa đã rất nhiều lần nhẹ nhàng nói với bé là không được làm như thế. Bé vâng dạ nhưng lần sau vẫn tiếp tục như thế. Buổi chiều chị đón bé đi học về. Bé ko bằng lòng vẫn muốn ở lại trường chơi thêm chút nữa. Chị Hoa đã giải thích lý lẽ đủ cả, nhưng bé vẫn không chịu nghe, hét lên ầm ĩ. Đi trên đường ngồi sau xe máy, bé cứ đánh cấu và đập vào lưng mẹ.

Chị Mai cũng suốt ngày than thở với các đồng nghiệp ở cơ quan về tính hung dữ của con. Bé được 3 tuổi mà nhiều lúc cũng đánh mẹ, đánh bà, đánh bố bôm bốp. Hễ cứ mỗi lần bị mắng là bé quay sang tát vào người bên cạnh, bất kể là ai. Nếu không có ai ở đó thì bé lại đập đầu vào tường. Chị Mai đến trường đón con, lúc nào cô giáo cũng kêu ca là bé rất nghịch và đánh bạn. Hôm nào cao trào, bé còn đẩy bạn ngã chảy cả máu mồm. Cô giáo phạt cả tuần không cho phiếu bé ngoan. Mẹ có nạt nộ, phân tích và mắng mỏ, nhưng bé vẫn chứng nào tật ấy. Nhiều khi chị Mai bối rối phát khóc vì con.

Anh Hùng có thuê mấy cô nhân viên bán hàng ở tại nhà. Khổ nỗi, bé trai nhà anh mới hơn hai tuổi mà lại cứ thấy cô nhân viên nào xấu là xông đến đánh rất đau và đuổi ra khỏi cửa hàng. Chỉ trừ một cô xinh xắn, trẻ trung là được bé "bỏ qua". Đi mẫu giáo, bé còn dám đánh cả một anh lớp năm tuổi vì anh trót ngồi lên cái chỗ đu quay mà bé vẫn hay ngồi, lại còn mắng anh là thằng hâm. Anh Hùng đã thử hết cách nhưng không biết làm thế nào với con.

1001 cách dạy bé
Trẻ nhỏ có hành vi đánh người khác thường là do sự ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, đặc biệt là khi ở đó có nhiều hành vi bạo lực (từ phim ảnh, các câu chuyện và cả những hành vi bạo lực giữa các thành viên trong gia đình...). Mỗi lần như thế, bố mẹ "trừng phạt" trẻ bằng lời nói (quát mắng) và hành vi bạo lực (đánh vào tay con) thì khó có thể giảm bớt tính hay đánh người của bé và nhiều khi lại làm nó tăng thêm. Lúc bị đánh, cháu cười và đánh lại bố, mẹ như một trò chơi sẽ không tốt vì khi đó trẻ không hiểu hành vi của mình và dần dần trở thành thói quen. Lúc trẻ ăn vạ, đừng ai bênh trẻ.

Các bố mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc, nhìn thấy những hành vi bạo lực từ môi trường xung quanh (phim ảnh, gia đình, lớp học, cộng đồng làng xóm). Tránh việc trừng phạt trẻ bằng một hành vi bạo lực khác của người lớn mà thay vào đó, gia đình nên phản ứng lại bằng những lời nói nhẹ nhàng và luôn có những cử chỉ thể hiện tình cảm âu yếm, yêu thương người khác.

Rất nhiều các mẹ đã áp dụng cách dạy bé không đánh người khác rất hữu hiệu. Khi bé giơ tay lên định đánh ai, bạn cầm ngay tay bé, nói rất nhẹ nhàng: "Con yêu mẹ như thế này cơ mà" rồi cầm tay bé vuốt nhẹ lên má mẹ, xong mẹ cũng thơm bé. Nhiều lần như vậy, bé sẽ quen và quên đi thói quen đánh người khác.

Hoặc khi bé giơ tay lên định đánh mẹ, mẹ cầm tay con lên vuốt má mình và bảo: "Con yêu mẹ". Rồi mẹ kể cho bé nghe: "Hôm qua ở đầu xóm có bạn A đánh mẹ nên mẹ bạn ý buồn, bị ốm. Con đừng làm cho mẹ buồn, ốm nhé". Những lúc hai mẹ con chơi với nhau, bạn tỉ tê hỏi bé: "Mẹ có bao giờ đánh con không?". Chắc chắn bé sẽ trả lời là không. Bạn hỏi: "Mẹ có yêu con ko?". Bé sẽ trả lời là có. Bạn hỏi lại: "Thế con có yêu mẹ không? Sao yêu mẹ mà con lại đánh mẹ. Lần sau con đừng đánh ai nhé." Chắc chắn, bé sẽ từ bỏ thói xấu của mình.

Theo afamily