Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé suy dinh dưỡng, lớn dễ béo phì


Trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi hay thiếu cân lúc nhỏ khi lớn lên dễ bị thừa cân, béo phì hơn trẻ bình thường.

Theo PGS.TS Đào Ngọc Diễn, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam: "Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trẻ 3-9 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp còi sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì cao gấp 2-8 lần so với trẻ không bị thấp còi. Nguyên nhân có thể là trẻ suy dinh dưỡng mãn tính có khối nạc thấp, chuyển hóa cơ bản và hoạt động thể lực giảm. Khi được cung cấp đủ năng lượng, trẻ sẽ tích luỹ mỡ rất nhanh".
Như vậy ngay từ những năm tháng đầu đời, trẻ cần có một chế độ ăn cân bằng hợp lý. Khi trẻ biếng ăn, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục sớm. Nếu để trẻ biếng ăn kéo dài thì ngưỡng tiết enzyme tiêu hóa sẽ giảm, dẫn đến trẻ sẽ chán ăn, sợ ăn. Khi đó, việc giúp trẻ ăn ngon miệng trở lại trở thành một vấn đề nan giải, càng ép trẻ ăn thì trẻ càng biếng ăn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tìm hiểu nguyên nhân gây biếng ăn cho trẻ, cần giúp cơ thể trẻ nhanh chóng chuyển hóa lượng thức ăn nạp vào bằng cách bổ sung thêm các loại enzyme tiêu hóa dưới dạng siro. Kết thúc đợt điều trị khoảng 10 ngày, cơ thể sẽ tự điều tiết enzyme trở lại, trẻ sẽ hết biếng ăn và thích nghi với chế độ ăn thông thường.

Ở những trẻ đã thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng hay trẻ đã ăn ngon miệng trở lại thì cũng không vì thế mà bồi bổ cho trẻ quá mức. Những trẻ này khi được bồi bổ quá mức sẽ nhanh chóng tích lũy lượng mỡ, dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì. Khẩu phần ăn của trẻ cần luôn giữ ở mức cân bằng phù hợp theo độ tuổi, chú ý ăn đa dạng thức ăn, vừa kích thích ngon miệng cho trẻ, vừa đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cần thiết và cũng không bị thừa dinh dưỡng (chủ yếu là chất béo và tinh bột) dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ.

Theo BS. Nguyễn Hữu Hạnh
Dinh dưỡng