Không ít phụ huynh đã phản ứng mạnh khi thấy con mình tham gia các trò chơi điện tử, thậm chí cấm đoán, đánh mắng. Tuy nhiên, thật nan giải để trẻ quên hẳn hoặc chấm dứt những trò chơi điện tử... Quan trọng là phụ huynh cần để con em tự giác, chủ động kiểm soát được quá trình chơi của mình và có thái độ tích cực, lành mạnh đối với trò giải trí này. Cần có nhận thức đầy đủ về game online Ngoài ra, nếu chơi game ở mức độ vừa phải, có sự kiểm soát thời gian và nội dung game lành mạnh, sẽ giúp trẻ hình thành một số kỹ năng, phát triển các phẩm chất trí tuệ, phản ứng nhanh nhạy, tạo ra hưng phấn và quan trọng nhất là để giải trí, giải tỏa stress sau những buổi học căng thẳng. Tuy nhiên, hiện nay có đến 77% là game bạo lực trong tổng số game đang hoạt động tại Việt Nam. Loại game này đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của trẻ nếu không được kiểm soát một cách hợp lý. Theo các nhà tâm lý, nghiện game giống như nghiện đỏ đen và ma túy, trẻ sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn, kể cả vi phạm pháp luật. Chia sẻ cùng con 1. Hãy cùng trẻ phân chia thời gian hợp lý giữa chơi và học, định hướng cho con tự lập thời gian biểu và tôn trọng, tin tưởng trẻ khi chúng tự thực hiện; giải thích cho trẻ biết chơi game cũng là một cách để giải trí nhưng không được lạm dụng. 2. Tranh thủ thời gian để tìm hiểu những trò chơi điện tử mà trẻ yêu thích, đừng để trẻ nghĩ cha mẹ lạc hậu. Nếu cần, cùng chơi với trẻ và phân tích những lợi ích cũng như hậu quả của từng game, để trẻ tiếp nhận một cách thoải mái và tự giác kiềm chế bản thân. 3. Để giúp con cái hạn chế tiếp xúc với game online, phụ huynh nên lên kế hoạch cùng con tham gia các trò thể thao lành mạnh như cầu lông, bóng đá, bơi lội... 4. Giao cho trẻ một số việc nhà để các em biết quý thời gian, sức lao động cũng như tiền của. Khi con trẻ làm tốt, cha mẹ hãy thưởng bằng... một khoảng thời gian để chơi game. Phần thưởng đó giúp các em hiểu rằng, chơi game chỉ để giải trí, sau khi đã hoàn thành các công việc khác. Lê Phạm Phương Lan |