Trẻ ở lứa tuổi tiểu học cần phải được hạn chế mỡ trong thức ăn, nên chọn các loại thịt gà với phần mỡ và nạc được tách riêng. Thịt đỏ tiêu thụ ở mức khoảng 1 lạng/ngày.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để tránh tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, cần có 1 chế độ dinh dưỡng hợp lí.
Bữa trưa của HS trưởng tiểu học Tây Sơn (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là 1 tô bún thang.
Thực đơn phải rõ định lượng
Một thực đơn của trẻ bán trú trong trường tiểu học bao gồm rất nhiều món ăn cho 1 tháng không bị trùng lặp, bà nhận xét thế nào về thực đơn này?
Tôi không rõ thực đơn bán trú thì được xây dựng như thế nào. Thực đơn dinh dưỡng phải căn cứ trên các nguyên tắc như: xây dựng cho ai, độ tuổi nào, mức lao động nào, tình trạng sinh lý ra sao, sức khỏe như thế nào?... Từ đó đối chiếu với nhu cầu để lên thực đơn - đó là một nghề.
Ở thực đơn có ghi: bữa chính (thịt rán, canh chua, giá xào thịt bò) và bữa phụ (sữa tươi) nhưng lại không ghi rõ là hàm lượng bao nhiêu. Do đó, không thể tính được lượng calo trẻ được hấp thu trong bữa ăn đó. Theo tôi thấy, ví dụ món giá xào thịt bò thì bao nhiêu giá, bao nhiêu thịt đều phụ thuộc vào lượng tiền HS đóng.
Bố mẹ cũng chỉ có thể kiểm tra bằng cách hỏi con hôm nay ăn món gì, có no không, chứ không thể biết lượng calo con đã được ăn ở trường. No thì ăn một bát cơm là no. Tôi cho con đi học cũng vậy, cô cho ăn thế nào thì biết thế.
Một số trẻ khi được hỏi có nói là ăn ít cơm đi, nhiều rau hơn và luyện tập thể thao nhiều vậy nhưng vẫn không thấy giảm cân. Tại sao lại như vậy, thưa bà?
Vậy, biết bao nhiêu là ít, là nhiều?
Phải biết 100g gạo cho bao nhiêu kilocalo, ví dụ cho 76g chất đạm, 76g chất bột đường, 10g lipit... Giá xào thịt bò thì trẻ tiểu học ăn bao nhiêu giá, bao nhiêu thịt bò, xào với bao nhiêu dầu. Có người ăn thế thì béo, nhưng người khác gầy nhom. Điều đó là do phụ thuộc vào khả năng hấp thu của mỗi đối tượng.
Mỗi gói bim bim bằng 1 bát cơm
Vậy trẻ tiểu học cần chế độ dinh dưỡng thế nào, thưa bà?
Lứa tuổi mầm non trẻ cần chất béo cao hơn 40% so với trẻ tiểu học. Từ 0-3 tuổi, tỷ lệ chất béo này là 50%. Các bà mẹ do chưa hiểu rõ quy luật này nên vẫn tiếp tục cho con ăn nhiều chất béo. Hậu quả là đến lứa tuổi tiểu học, trẻ bắt đầu xuất hiện thừa cân.
Do đó, ở lứa tuổi tiểu học trẻ cần phải được hạn chế mỡ trong thức ăn, nên chọn các loại thịt gà với phần mỡ và nạc được tách riêng. Thịt đỏ tiêu thụ ở mức khoảng 1 lạng/ngày.
Tôi thấy nhiều bà mẹ cho con ăn bim bim rất nhiều với suy nghĩ sản phẩm này không có đường, không ảnh hưởng đến khẩu phần ăn của trẻ. Thậm chí, có nhà mua đến hàng chục gói để con thỏa sức ăn. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng, bim bim là thực phẩm giàu năng lượng bởi trong thành phần chính là mỡ, bột, muối, mỗi gói bim bim bằng 1 bát cơm.
Xin bà cho biết chế độ riêng với trẻ đang bị thừa cân béo phì ?
Nguyên tắc chung là làm sao để trẻ không tăng cân nữa, phát triển chiều cao lên. Ăn vào cân bằng với năng lượng tiêu hao. Vẫn phải cho ăn đầy đủ các chất. Cho ăn theo khẩu phần phù hợp để không tạo mỡ. Tiếp theo là vận động.
Cần phải có phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Nhà trường xây dựng thực đơn đã lượng calo nhất định, thì ở nhà cho ăn thêm một lượng phù hợp nữa. Cái này phải tính rõ ràng cụ thể. Ngoài ra, cũng phải tính, ở trường cho ăn ngần này thì bố trí bữa ăn thế nào. Nếu không về nhà lại nhồi nhét nhiều làm cho trẻ quá tải.
Chế độ dinh dưỡng hợp lí
Bà có thể tư vấn các món ăn trẻ nên ăn để tăng cường năng lượng cũng như chất dinh dưỡng?
Theo tôi, món ăn đầu bảng vừa tốt, vừa hợp túi tiền là đậu phụ. Đây là nguồn cung cấp đạm thực vật, dễ tiêu hoá. Trẻ em gái trên 5 tuổi nên thường xuyên ăn đậu để dự phòng ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
Có một thực tế, hiện nay người ta ăn ít gạo nhưng lại thay thế bằng mỳ ăn liền, bánh mỳ. Đây là những thực phẩm có nồng độ năng lượng cao, nhưng lại nghèo chất dinh dưỡng. Vì thế, khi ăn nhiều cũng nhanh tăng cân. Thay vào đó, nên ăn bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt.
Một yếu tố nữa cần nói thêm, cholesterol rất cần cho trẻ để phát triển não bộ. Những chất này có trong thịt, cá, sữa và trứng. Một tuần nên cho trẻ ăn 5 quả trứng. Riêng các cháu đã béo 1 tuần chỉ nên ăn 3-4 quả, không nên cho ăn tim, cật xào, óc trần.
Rau xanh là loại thức ăn không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ. Trung bình mỗi người Việt Nam đang ăn khoảng 200gr rau/ngày. Mức phấn đấu là 300gr, để cung cấp đủ chất xơ, đây cũng là một phương thức giảm béo.
Qua đây, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cũng phải thảo luận với nhau để đưa ra một đề án và có hành lang pháp lý.
Xin cảm ơn bà!
Theo Vietnamnet