Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ý nghĩa của truyện cổ tích trong việc giáo dục trẻ thơ


Từ rất lâu, khi chưa có truyền hình, các trò chơi điện tử hay các cuốn băng vidéo, trẻ nhỏ rất mê những câu truyện cổ tích.

Tại sao những câu chuyện kể về những công chúa hay người khổng lồ khiến trẻ vui đến thế? Những câu chuyện đầy trí tưởng tượng ấy muốn gửi gắm thông điệp gì?

Không có những nhân vật như siêu nhân khủng long, siêu nhân vũ trụ xuất hiện tràn lan trên thị trường sách dành cho thiếu nhi hiện nay ở nước ta, truyện cổ tích được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Được chắt lọc chúng dần trở nên tinh tế hơn, mang nhiều ý nghĩa khác nhau mà bất kỳ đứa trẻ nào, dù ở lứa tuổi nào hay thuộc giới tính nào cũng có thể tìm ở đó rất nhiều ý tưởng. Các ý tưởng đó giúp chúng vượt qua những khó khăn và lớn lên một cách khách quan.

Ảnh sưu tầm

Tuổi thơ không phải là một dòng sông dài yên bình
Ngay từ những năm đầu đời, trẻ đã phải trải qua rất nhiều thử thách: thất vọng, sự ganh đua giữa các anh chị em, sự so sánh với những người xung quanh, tinh thần trách nhiệm... Điều đó đôi khi làm trẻ cảm thấy bị cô độc và lo lắng.

Nhiều cha mẹ sai lầm khi cho rằng cần bao bọc con khỏi những tác động khiến tâm hồn non nớt ấy bị rối loạn. Họ luôn nói với con về những mặt tích cực của vấn đề. Họ không hay biết điều đó không hề làm chúng cảm thấy yên lòng mà trái lại, càng củng cố các lo lắng của trẻ bởi bé cảm nhận rất rõ rằng cuôc đời không chỉ chứa đựng những bất ngờ vui vẻ. Truyện cổ tích sẽ kể cho bé nghe về cuộc sống và khuyến khích trẻ khám phá thế giới.

Truyện cổ tích là những điểm mốc
Chúng minh họa các sự khiếp sợ của trẻ theo lối diễn xuất: đói nghèo và bỏ rơi (Thạch Sanh), cái chết của người thân (Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn), những thế lực độc ác (Cô bé quàng khăn đỏ), sự ganh ghét giữa các anh em ruột (Tấm và Cám). Truyện cổ tích nói đến các ác độc trong cuộc sống, các cuộc đấu tranh nội tâm để đưa ra một hình thức xác thực, biến chúng trở nên bớt đáng sợ hơn. Ví dụ như con chó sói, trong một số câu chuyện nó có thể làm bé sợ nhưng cũng khiến bé cười, mơ mộng khi thấy sói bị thỏ xỏ mũi, cảm thấy vui khi nó bị tiêu diệt.

Các câu chuyện kể giúp bé đưa sự liên kết vào trong những gì bé cảm nhận được: chúng cung cấp các ý tưởng giúp bé giải quyết các vấn đề. Cái gì là tốt, cái gì là xấu? Ai tốt bụng, ai độc ác? Làm thế nào tìm thấy tình yêu khi người ta lớn? Làm thế nào lớn lên và rời khỏi mái ấm gia đình khi đủ lớn?

Các câu chuyện kể mang đến cho bé những điểm mốc trong ứng xử cần phải có trong đời. Các câu chuyện ấy đều có chung một thông điệp, giản dị và đáng khích lệ: "Các khó khăn trong cuộc sống là không thể tránh khỏi. Thay vì chạy trốn, ta cần phải vững vàng đối mặt với những thử thách, chịu đựng những điều bất công gặp phải. Cuối cùng, chúng ta sẽ vượt qua được các trở ngại và nhận được những gì chúng ta mong muốn".

Truyện cổ tích nói bằng ngôn ngữ của trẻ
Trẻ tin vào các câu chuyện kể hơn là những bài thuyết trình bởi những câu chuyện ấy dành cho trẻ dưới một hình thức rất quen thuộc: hình thức kỳ diệu. Theo các nhà khoa học, cho tới tận lúc dậy thì đối với trẻ ranh giới giữa vật sống và vô tri, người và vật, tưởng tượng và thực tế là rất mơ hồ.

Các nàng tiên tốt bụng có thể nhân cách hóa những mong muốn cháy bỏng nhất, mụ phù thủy với mong muốn phá hoại, những người chị độc ác luôn ghen tỵ.... Trong các câu chuyện ấy rất phong phú các giả thuyết, có thể thích hợp cho trẻ 5 tuổi cũng như khi đã lên 13 tuổi, tùy theo các diễn giải không giống nhau của trẻ.

Lời khuyên cho cha mẹ
• Nên đọc hoặc kể cho bé nghe những truyện cổ tích càng sớm càng tốt.
• Bạn nên bắt đầu từ những truyện bạn yêu thích khi còn nhỏ. Nếu trẻ không tỏ ra hào hứng với những truyện đó thì có nghĩa là các chủ đề bạn chọn không đáp ứng được những quan tâm hiện nay của bé.
• Khi bé thích, bé sẽ biết cách bày tỏ sự hào hứng, sẽ yêu cầu kể đi kể lại không chán cho tới tận khi nào kết thúc thì thôi. Bé sẽ thực sự bị cuốn hút bởi chính nhu cầu của mình. Khi các quan tâm của bé thay đổi, bé yêu cầu mẹ (bố) kể một câu chuyện khác.

Tốt nhất là bạn đừng nên áp đặt bé, hãy cho bé sự tự dẫn dắt bạn đến những câu chuyện bé thích. Chính những câu chuyện ấy sẽ giúp bạn hiểu thêm về những gì đang diễn ra trong tâm hồn trẻ thơ.

Không ngắt quãng sự khoái trá của bé để giải thích, bởi nếu các truyện cổ tích làm tâm hồn bé thêm phong phú thì chính chúng sẽ làm bé hài lòng.

Bé đôi khi không cần hiểu cụ thể Tại sao, Thế nào bởi với tâm hồn ngây thơ ấy, mọi cái đều có thể nhờ phép thuật.

Theo mevabe