Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những thói quen giúp bé học tốt


Dạy bé tóm tắt những gì đã học theo cách riêng, đánh dấu những thông tin quan trọng hay bố trí góc học cố định cho con là những cách giúp bé học giỏi và tập trung hơn.

Tắt tivi
Bạn hãy thiết lập nguyên tắc sinh hoạt có lợi cho sự tập trung vào bài vở của con; chẳng hạn, thời gian học bài là thời gian không có tiếng tivi. Tiếng tivi có khả năng thu hút sự chú ý của bé chẳng khác nào ong thèm mật ngọt.

Lưu ý với đài
Nhiều cha mẹ nghĩ tiếng đài sẽ khiến bé bị xao nhãng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một số bé tập trung học tốt hơn nếu được nghe bản nhạc yêu thích.

Thiết kế góc học tập riêng
Góc học tập dành cho bé có thể trong phòng riêng, phòng khách hoặc một chỗ thuận tiện nào đó. Chỗ học của bé càng ít bị làm phiền bởi người thân càng tốt. Một chiếc bàn dành cho bé không cần quá đặc biệt, chỉ cần nó có đủ chỗ cho bút mực, bút chì, giấy, sách vở là được.

Học nhiều không bằng học đều
Bạn cần sắp xếp việc nhà để có thời gian chăm chút đến việc học của con. Nếu bé được tan học sớm, bạn có thể động viên bé hoàn thành bài tập về nhà trước bữa cơm tối. Khoảng 15 phút làm bài một lần, bạn có thể cho bé nghỉ ngơi, kiểm tra và hỗ trợ quá trình làm bài cho con.

Dạy bé cách tổ chức công việc
Bạn có thể đưa cho bé một quyển lịch lớn, để bé đánh dấu những việc cần hoàn thành mỗi ngày. Bạn cần tách biệt từng tháng để bé nhận diện được thời gian còn lại của một học kỳ; chẳng hạn, bạn có thể xé lịch tháng 9-10-11-12 và tháng 1 rồi dán chúng từ trái sang phải, cùng một hàng trên tường. Bé dùng bút màu để đánh dấu ngày thi, một màu khác cho dữ kiện khác.

Dạy bé cách nghiên cứu bài tập
Không chỉ là học vẹt, bé cần được dạy làm bài tập dưới dạng có hệ thống:
- Ghi chú những điều cơ bản khi bé đọc một chương sách.
- Học theo bảng biểu và biểu đồ.
- Tóm tắt những gì bé đã học theo cách riêng của bé.
- Ôn bài theo ngày tháng, công thức...

Dạy bé kỹ năng đánh dấu thông tin quan trọng
Nhiều bé không biết tóm tắt ý chính của bài học, ý nào quan trọng hơn ý nào. Nhiều bé thích viết tất cả những gì thầy cô giáo đã dạy trên lớp. Vì thế, thông tin về bài học có thể lan man, không rõ ràng. Bạn có thể dạy bé viết những ghi chú quan trọng. Cách này hơi mất thời gian nhưng bé sẽ học được kiến thức theo cách sắp xếp riêng của bé.

Giúp bé tự tin khi làm bài thi
Kỳ thi có thể gây sức ép rất lớn tới bé. Bạn hãy giải thích với bé, thức khuya để làm bài thì không hiệu quả. Một giấc ngủ sâu sẽ giúp bé thông minh và sáng suốt hơn.

Bé cũng cần được dạy phải cẩn thận khi đọc đề thi và bắt đầu làm bài. Bạn nên khuyên bé tạm thời bỏ qua những câu hỏi chưa tìm được đáp án. Bé có thể quay lại làm những câu này sau đó. Lời khuyên để bé có kết quả bài thi tốt là: thở sâu, thư giãn và cần nhắc bé mang theo bút dự phòng.

Theo dõi dấu hiệu tâm lý của bé khi làm bài tập
Bạn không nên ép bé học tiếp khi bé đang tức giận hoặc buồn bã vì bài tập quá dài, quá khó. Bạn có thể chia đều phần bài để bé hoàn thành thay vì để con mệt mỏi với bài quá dài.

Giúp bé làm bài
Bạn có thể kiểm tra kết quả bài tập toán sau khi bé đã hoàn thành. Nên nhớ, bạn cần để bé tự làm bài, tự suy nghĩ và chỉ giúp đỡ khi bé thật sự cần đến bạn. Thỉnh thoảng, bạn nên quan tâm đến con bằng cách đặt câu hỏi: "Kết quả bài kiểm tra toán của con thế nào?", "Con đã có kết quả bài chính tả chưa?"...

Theo Giadinh.net.vn