Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con biết quan tâm đến người khác


Nhiều người phàn nàn trẻ con bây giờ ích kỷ, không biết quan tâm đến người khác. Ở nhà thì không đụng tay vào việc gì, phó mặc hết cho ông bà, bố mẹ. Ra đườngthấy người cần giúp đỡ cũng mặc. Chúng chỉ biết sống cho mình, vì mình. Nhưng có một điều nhiều ông bố, bà mẹ đã không nghĩ đến là chính họ đã vô tình tạo ra cho con họ tính cách ấy từ chính những hành động trong cuộc sống hàng ngày.

Trong gia đình chị Hòa, Cún lớn lên trong sự nuông chiều, bao bọc quá mức của ông bà, trở nên đành hanh đến mức sẵn sàng dậm chân đòi bằng được người lớn phải chiều theo ý mình. Cún nghiễm nhiên xem mình như cái rốn của vũ trụ, trung tâm của mọi sự chú ý. Dù đã gần 10 tuổi, nhưng những việc đơn giản nhất như xếp quần áo, dọn dẹp phòng riêng...cũng không tự làm mà dựa dẫm, ỷ lại vào ông bà, cha mẹ, người giúp việc. Tệ hơn, chính cảm giác mình là tất cả ấy khiến bé không biết nghĩ đến người khác, chỉ muốn mọi thứ theo ý mình, tốt cho mình. Mầm mống ích kỷ nảy sinh từ đó.

Điều đáng nói là nhiều khi chính người lớn lại vô tình tạo cho con tính ích kỷ ấy. Muốn bao bọc cho con nên chị Lê rất khắt khe với những đứa trẻ chơi cùng con mình, không cho con thoải mái chơi với các bạn cùng trang lứa. Chị cũng không muốn đứa trẻ nào động đến đồ chơi của con mình vì sợ hỏng.Cư xử như vậy, chị đã vô tình khiến cho đứa con của mình ngày càng tiếp thu và định hình tư tưởng, lối sống ích kỷ cá nhân. Khi đứa con lớn lên, chị cứ phàn nàn là chúng ích kỷ quá, ngay cả với bố mẹ. Nhưng chị lại quên mất rằng, những thói quen ấy trẻ học được từ bố mẹ.

Một phụ huynh kể, con chị học lớp năm, tất nhiên áp lực học tập rất căng thẳng đã tạo ra ý thức ganh đua nhau. Về mặt nào đó thì tốt, nhưng qua đó cũng thấy tính ích kỷ của con trẻ. Ngay cả khi bạn không hiểu bài, nhờ nó cũng không giảng cho bạn, bạn ốm nó cũng nhất định không chịu cho mượn vở. Có lẽ chính chị đã gheo vào con tâm lý cần ganh đua với bạn, không thể bị thua kém.

Làm thế nào để trẻ bớt ích kỷ, biết nghĩ đến mọi người? Các chuyên gia tâm lý cho rằng, phụ huynh cần biết rằng những từ như "nhân ái", "sẻ chia" đều là khái niệm trừu tượng. Trẻ chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được bố mẹ hướng dẫn cụ thể bằng các hoạt động đời thường, những sinh hoạt vận động, vui chơi phù hợp tâm lý lứa tuổi. Như chỉ khi trẻ được tiếp xúc với bạn bè, trẻ mới học được những điều rất cần thiết để nuôi dưỡng lòng nhân ái, như học cách thích nghi với mọi người, học chờ đến lượt của mình, học nhường nhịn, chia sẻ với bạn bè. Chính những điều nhỏ nhặt này là cái nền đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở rộng lòng ra cùng người khác. Giáo dục trẻ về lòng nhân ái không chỉ là cách giúp trẻ hình thành nhân cách tốt, trở thành đứa trẻ ngoan, mà còn chính là để giúp trẻ định hình, phát triển tài năng.

Ở trong gia đình, để dạy con, trước hết cha mẹ cũng phải là tấm gương cho con về cách sống quan tâm đến người khác. Ta không thể dạy con phải biết giúp đỡ bạn bè, trong khi nhà hàng xóm gặp chuyện không may ta lại đóng cửa ở trong nhà. Trẻ con nhiều khi vô tư, không quan tâm đến mọi người... nếu không được cha mẹ hướng dẫn, sự vô tư đó sẽ trở thành tính vô tâm khi lớn lên. Các bậc cha mẹ cũng nên yêu cầu trẻ giúp đỡ việc nhà từ những việc nhẹ như tưới cây, gấp quần áo, nhặt rau, dọn nhà... Cuộc sống khá giả, cả gia đình ông bà, bố mẹ luôn yêu thương chăm sóc nâng niu cho con trẻ một cuộc sống đầy đủ. Nhưng không phải vì thế mà ông bà, bố mẹ nuông chiều theo mọi đòi hỏi của con. Không phải bậc cha mẹ nào cũng ý thức được rằng, sự nuông chiều con quá mức là làm hại con chứ không phải thương con. Khi con trẻ bắt đầu biết đòi hỏi, vòi vĩnh và lấy tiếng khóc làm áp lực, bố mẹ, ông bà cần phải phân biệt đâu là nhu cầu tối thiểu, đâu là điều không thể đáp ứng. Không nên nuông chiều bé quá mức, để bé tự coi mình là cái rốn của vũ trụ và chỉ biết có mình.

Theo KTĐT