Giáo dục ATGT trong nhà trường được chú trọng Công tác giáo dục ATGT trong trường học luôn được các cấp quản lý giáo dục quan tâm, đặc biệt sau khi triển khai thực hiện cuộc vận động "HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật giao thông". Giờ học làm quen với ATGT tại Trường MN Tuổi Hoa (Hà Nội). Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, số vụ vi phạm luật giao thông đường bộ của HSSV chiếm 1/5 số vụ vi phạm hàng tháng trên địa bàn thành phố. Khắc phục tình trạng này, Sở đã ban hành văn bản quy định các hình thức xử lý kỷ luật, trong đó đưa ra các mức xử lý kỷ luật rất cụ thể như: phát hiện vi phạm lần thứ nhất - mời phụ huynh đến đón về, nghỉ học 1 ngày và viết bản kiểm điểm; lần thứ 2 - mời phụ huynh đến đón về, nghỉ học 2 ngày và viết bản kiểm điểm; lần thứ 3 - mời phụ huynh đến đón về, nghỉ học 3 ngày, đưa ra Hội đồng kỷ luật; lần 4 - kỷ luật buộc thôi học. Trường hợp do Công an thông báo về xử lý kỷ luật tương đương với mức vi phạm 3. Bên cạnh đó, trong tiết đầu tiên của năm học mới, tất cả các trường trong thành phố đồng loạt giảng dạy bài học về công tác đảm bảo trật tự ATGT đồng thời tổ chức cho 100% học sinh các trường ký cam kết thực hiện trật tự ATGT...Nhiều cuộc thi về ATGT cũng được tổ chức hàng năm như: Thi giáo viên dạy giỏi chuyên đề "Giáo dục ATGT", thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ trong học sinh sinh viên... Tại TP.HCM, trong năm học 2009 - 2010, hiệu trưởng và giáo viên phải đưa nội dung nhắc nhở, giáo dục Luật giao thông cho học sinh là điều kiện bắt buộc trong các buổi chào cờ và tiết sinh hoạt chủ nhiệm đầu tuần. Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng các trường có học sinh vi phạm tiến hành xử lý nghiêm đối với các trường hợp học sinh vi phạm, cụ thể: yêu cầu học sinh vi phạm làm kiểm điểm và lưu hồ sơ; mời phụ huynh học sinh vào thông báo, nhắc nhở và làm cam kết không tiếp tục vi phạm; cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường; hạ hạnh kiểm...Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường kiên quyết không giữ xe của học sinh đi xe phân khối lớn mà không có giấy phép lái xe trong bãi giữ xe của trường; triển khai thực hiện các khẩu hiệu tuyên truyền sinh động, dễ nhớ trước và sau cổng trường... Sở GD&ĐT Đà Nẵng quy định, nếu học sinh vi phạm chấp hành giao thông lần 1 sẽ bị phê bình, thông báo toàn trường và cho phụ huynh, viết cam kết không vi phạm; vi phạm lần 2 - khiển trách, hạ bậc hạnh kiểm, ghi học bạ; vi phạm lần 3 - cảnh cáo, xếp hạnh kiểm bậc thấp nhất, ghi học bạ; vi phạm lần 4 - buộc thôi học 1 năm, ghi học bạ. Đua xe và cổ vũ đua xe trái phép xử lý theo mức vi phạm lần 4, thông báo về địa phương, gia đình. Để tránh ùn tắc giao thông khu vực cổng trường vào giờ tan học, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức cho học sinh ra về theo lớp, học sinh có xe đạp về sau cùng; các trường gần nhau thống nhất việc bố trí lệch giờ tan học. Nhiều trường đã mở thêm cổng phụ nhằm giảm số lượng học sinh ra cổng lúc tan học. "Mô hình trường học đạt chuẩn TTATGT" Sở GD&ĐT Đà Nẵng phát động đã được 100% trường THCS, THPT đăng ký thực hiện. Sở GD&ĐT Hải Dương mỗi năm cấp phát tài liệu, thiết bị giáo dục ATGT cho các nhà trường trị giá khoảng 30 triệu đồng... Giáo dục về ATGT cũng được triển khai cụ thể vào chương trình giáo dục chính khóa: Đưa nội dung ATGT vào "Tuần sinh hoạt công dân HSSV" đầu năm học với các trường TCCN; tổ chức dạy Luật giao thông cho học sinh THCS, THPT trong chương trình nội khóa của môn Giáo dục Công dân. Mỗi năm, các trường trên địa bàn đều tổ chức hội nghị phụ huynh học sinh để phối hợp giáo dục con em trong việc học tập, rèn luyện và chấp hành ATGT. Ở cấp tiểu học đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục bơi, xây dựng ao bơi, bể bơi cho học sinh nhằm cung cấp kiến thức kỹ năng, kỹ năng phòng chống đuối nước và tai nạn giao thông đường thủy. 3 trường học của xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đã đạt tiêu chuẩn trường học an toàn cấp quốc tế... Sở GD&ĐT Kiên Giang giao trách nhiệm cho hiệu trưởng triển khai cuộc vận động và việc cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm quy định ATGT; không xét danh hiệu thi đua đối với các nhân vi phạm đã bị xử phạt hành chính và xét danh hiệu thi đua cấp trên trực tiếp của người vi phạm; tập thể có cá nhân vi phạm sẽ bị hạ 1 bậc thi đua... Trong khi Sở GD&ĐT Phú Yên đã đưa vào tiêu chí thi đua đầu năm học thì Sở GD&ĐT Bình Thuận quy định học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy bị xếp loại hạnh kiểm yếu và đình chỉ học tập 1 tuần, tái phạm lần 2 bị đình chỉ học tập 1 năm. Sở GD&ĐT Bắc Giang trong 2 năm đã cấp 2000 cuốn tài liệu, 200 bộ tranh cho các trường mầm non, gần 1000 cuốn tài liệu cho các trường tiểu học, hơn 2000 cuốn tài liệu cho trường THCS và THPT và cấp đĩa hình, sa bàn cho một số trường...Sở GD&ĐT Bình Định hỗ trợ 20 triệu đồng cho các phòng giáo dục tổ chức thi tìm hiểu Luật giao thông. Sở GD&ĐT Quảng Ninh tổ chức 70 cuộc thi cấp trường, 3 cuộc thi cấp tỉnh về ATGT... Nhiều Sở GD&ĐT đã gắn công tác này với các hoạt động lớn của ngành như: Thi vẽ tranh trong môn Mỹ thuật với đề tài ATGT vào chương trình giao lưu học sinh giỏi; phát động giáo viên làm đồ dùng học tập, sáng tác bài hát... Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã phối hợp với Đài phát thanh - Truyền hình của tỉnh ghi hình và phát sóng trong năm học 2007-2008 được 54 trận thi "Chúng em với ATGT" của học sinh. Theo GD&TĐ |