Những ngôi trường thiếu sân chơi Ai đi học cũng ước mơ trường mình có phòng học đàng hoàng, có sân chơi rộng rãi, nhất là với HS tiểu học - lứa tuổi đang rất cần vận động để phát triển thể lực. Thế nhưng tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM hiện nay, niềm vui giản dị nhất của lứa tuổi học trò đã bị mất... Giờ ăn trưa của học sinh bán trú Trường tiểu học Xóm Chiếu Q.4. Sân trường được tận dụng vừa làm nhà ăn, vừa làm nơi để xe, chứa đồ... -Ảnh: LƯU TRANG Giờ ăn trưa của học sinh bán trú Trường tiểu học Xóm Chiếu (quận 4) diễn ra dưới ánh đèn neon trên khoảng sân trường vài chục mét vuông. Chỉ cần tắt đèn, toàn bộ khuôn viên "nhà ăn" kiêm bãi để xe, kiêm sân trường, kiêm hội trường này sẽ tối thui bởi sân trường cũng là tầng trệt của ngôi trường có diện tích chỉ 200m2 gồm một trệt, hai lầu với chín phòng học này. Vốn là một nhà dân cải tạo lại nên có phòng học ở Trường tiểu học Xóm Chiếu chỉ rộng 19,8m2. Hành lang lầu một và hai có bề ngang khoảng 4 tấc chỉ đủ cho học sinh đi hàng một. Hai học sinh không thể đi song song trên hành lang này. Để an toàn, ban giám hiệu đã phải dựng hàng rào thép cao đến mái và nghiêm cấm học sinh chơi đùa ở hành lang với thông báo "hành lang chỉ được dùng làm lối đi". Ước được chơi
Vì thế, giờ ra chơi ở Trường tiểu học Xóm Chiếu, 360 học sinh dồn xuống tầng trệt. Những trò nhảy dây, đá cầu trở nên xa xỉ, các em ngồi bệt xuống đất thành từng nhóm, chơi bắn dây thun hoặc oẳn tù tì. Sân trường chật quá, nhiều em phải ngồi chơi ở các bậc cầu thang. Chị L., một phụ huynh có con học lớp 5, tâm sự: "Tôi thường dặn: con lớn rồi, phải nhường sân cho các em chơi. Giờ ra chơi con vào thư viện đọc sách hoặc ngồi một góc thôi". Thư viện chị L. nói là một căn phòng được ngăn bằng ván gỗ ngay dưới chân cầu thang, "tích hợp" luôn nhiệm vụ là phòng y tế, phòng thí nghiệm, phòng chức năng... Cô Nguyễn Thị Mai Trinh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Diện tích chỉ có chừng đó nên các văn phòng thu hẹp thì sân chơi của các em sẽ rộng hơn được một chút". Đúng là tấc đất tấc vàng, khi hai phòng vệ sinh của trường phục vụ 360 học sinh mỗi ngày chỉ khiêm tốn với 13,5m2, nằm khép nép dưới chân cầu thang. Em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 5C, nói hồn nhiên: "Sân trường con không có ánh sáng và không có cây xanh. Sang năm lên lớp 6, con ước được học ở một ngôi trường có sân thật rộng, nhiều cây xanh và có thật nhiều lầu để giờ ra chơi con được chơi đuổi bắt với các bạn". "Hàng xóm" của Trường Xóm Chiếu là Trường tiểu học Cây Bàng, Q.4 có 400 học sinh nhưng phải chia các em ra học tại bốn cơ sở nhỏ, lẻ. Cơ sở 2 của trường có hai phòng học, hai phòng vệ sinh chen chúc cùng phần sân trường rộng khoảng 15m2. Giờ ra chơi, gần trăm học sinh túa ra sân, mới chỉ đứng xếp hàng đã hết chỗ. Em H., học sinh lớp 4, cho biết: "Từ lớp 1 đến nay em đã chuyển qua ba cơ sở, không biết qua lớp 5 có phải chuyển nữa không. Cơ sở nào cũng chật, giờ ra chơi em phải ngồi trong lớp đọc bài. Nếu có khoảng sân rộng em sẽ chơi banh chuyền hay chơi trốn tìm cùng các bạn". Ra sân sợ... ngã Em Võ Đức Huy - HS lớp 3/4 - kể: "Sân trường nắng quá nên giờ ra chơi mọi người chỉ quanh quẩn ở hành lang. Có lần con ra hành lang nhưng bị các anh chị lớp lớn lấn chỗ khiến con bị té. Từ đó cứ giờ ra chơi là con ở trong lớp". Nhưng... ở trong lớp cũng không dễ chịu chút nào. Trưa 3-11, bước vào một lớp học của trường này chỉ 15 phút, chúng tôi đã thấy đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con vì mái tôn phả xuống nóng hầm hập, hai quạt trần thì hoạt động quá yếu ớt. Theo cô Yến: "Những ngày tháng 4, tháng 5 nắng nóng khủng khiếp lắm, có bữa còn cúp điện. Ngay chính giáo viên còn thấy mệt mỏi huống chi HS. Cứ buổi trưa nhân viên phục vụ của trường phải tưới nước lên mái tôn và mặt sân nhưng chỉ 10 phút sau là khô, không đỡ được bao nhiêu. Vậy nhưng chỉ cần một trận mưa là trường ngập như sông do nền trường thấp hơn mặt đường". "Giờ ra chơi ở trường này nhìn HS cứ như cá kiểng, ngoài sân nắng, trong lớp nóng, các em không biết phải vẫy vùng ra sao. Thật tội nghiệp hết sức!". Tương tự, nhiều HS đang học tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn, cơ sở 2 Trường tiểu học Yên Thế (Q.Bình Thạnh) cũng chọn giải pháp an toàn "ngồi trong lớp chứ không ra ngoài chơi" vì lý do sân trường quá hẹp. Theo Tuổi Trẻ |