Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Băn khoăn với việc nhân rộng tiết chào cờ ở khối mầm non


Một số mầm non tại TP HCM tổ chức chào cờ cho trẻ lớp lá (5 tuổi) khiến các bé rất hào hứng, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục lại băn khoăn.

Hứng thú khi được chào cờ
Chị Lê Thúy Linh, phụ huynh có hai con đang Mầm non quận Tân Bình cho biết, cậu lớn đang học lớp lá có vẻ hứng thú với giờ chào cờ. "Tối thứ Hai về nhà, ăn cơm xong, bé xung phong đứng dậy hát Quốc ca cho cả nhà nghe.

Mấy ngày nay, khi xem Asian Indoor games trên vivi, tới lúc làm lễ, trao huy chương cho các vận động viên, nhạc quốc ca nổi lên, thằng bé nhà đang nằm đọc sách trên giường lập tức đứng dậy, chân khép chữ V, đứng nghiêm và hát theo khiến cả nhà rất ngạc nhiên", chị Linh kể. Còn phụ huynh của Nhật Huy, học lớp lá trường này cũng cho biết, "từ ngày trường tổ chức chào cờ, ngày nào bé ngoan ngoãn hơn. Tối trước khi đi ngủ còn thuật lại cho mẹ những câu chuyện về Bác Hồ mà cô giáo đã kể trong buổi chào cờ".

Nhiều trẻ mầm non hào hứng với giờ chào cờ. Ảnh minh họa:Nguyễn Thủy

Trao đổi với Đất Việt, bà Bùi Nguyễn Ngọc Trâm, Hiệu phó trường Mầm Non Tân Bình cho biết, hằng tuần, vào sáng thứ Hai, sau khi ăn sáng xong, học sinh khối lớp lá được các cô giáo dẫn ra sân trường để chuẩn bị buổi chào cờ. Các bé cũng hết sức nghiêm trang, mắt hướng về cờ Tổ quốc, cất cao giọng hát Quốc ca. Nghi lễ chào cờ diễn ra trong vòng 15 phút. Sau khi làm lễ, các cô sẽ dành 5 phút kể một câu chuyện ngắn về Bác Hồ nhằm giáo dục học sinh biết tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, ngoan ngoãn, lễ phép. Đối với học sinh các lớp mầm, chồi, các em sẽ được đứng tại ban công lớp để quan sát và theo dõi các anh chị lớp lá thực hiện.

Đôi điều băn khoăn từ người lớn
Tuy nhiên, đang có những ý kiến khác nhau từ phía các giáo viên, lãnh đạo ngành giáo dục về việc "nhân rộng" hoạt động này một cách đồng bộ ở các Mầm non.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng Giáo dục quận 3, cho rằng, "Đồng ý là hoạt động chào cờ có thể giáo dục đạo đức và tập cho các em làm quen giờ chào cờ sau khi vào lớp 1, nhưng nếu tập trung tất cả các khối lớp chào cờ thì trường quản không nổi. Còn nếu chỉ cho lớp lá đại diện chào cờ thì sẽ mất đi tính nghiêm trang một cách đồng bộ của buổi lễ, do các học sinh các khối lớp mầm, chồi sẽ gây ồn ào không khí xung quanh", bà Nguyệt nói.

Đồng quan điểm với bà Nguyệt, bà Tôn Nữ Kim Anh, Hiệu trưởng Mầm Non Bến Thành, quận 1 cho rằng, học sinh mầm non còn quá nhỏ, chưa ý thức được tính trang nghiêm của lễ chào cờ. Do đó, nên để khi vào lớp 1, ở một môi trường lớn hơn, mới, các em sẽ làm quen với lễ chào cờ. Khi đó, đứng trước sân trường rộng lớn, có cột cờ, cùng mặc chung một màu cờ, sắc áo, trong bộ đồng phục trang nghiêm cùng với các anh chị lớp lớn, các em sẽ hòa nhập một cách tốt hơn, đồng bộ và nghiêm túc hơn, từ đó tự ý thức được ý nghĩa buổi lễ chào cờ một cách trọn vẹn".

Theo bà Phạm Thị Phước, Phó Phòng GD - ĐT quận Tân Bình, từ năm học 2008 - 2009 đến nay, quận này phát động phong trào học sinh Tân Bình học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, hoạt động chào cờ các trường mầm non nằm trong phong trào này. "Trường nào đưa hình thức chào cờ vào chương trình giáo dục đạo đức cho học sinh tốt thì hưởng ứng, chứ đây không phải là quy định ép buộc. Đối với những đơn vị mong muốn hưởng ứng, chúng tôi khích lệ", bà Phước cho biết.

Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM Nguyễn Tiến Đạt cũng khẳng định, đối với hoạt đồng chào cờ trong trường mầm non, Sở chưa bắt buộc các phải thực hiện một cách đồng bộ. Tuy nhiên, tổ chức cho học sinh mầm non chào cờ là một hoạt động có ý nghĩa, có thể thông qua tiết chào cờ và qua những câu chuyện sinh hoạt dưới cờ gần gũi, thiết thực để giáo dục đạo đức cho học sinh là việc nên làm."Nếu đơn vị nào có cách tổ chức lễ chào cờ hay, hiệu quả thì Sở vẫn khuyến khích thực hiện", ông Đạt nói.

Theo Báo Đất Việt