Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có nên cho trẻ tiền "dằn túi"?


Có nhiều ý kiến trái ngược về việc có nên cho con trẻ tiền tiêu xài hàng ngày.

Một số cho rằng không nên, trong khi một số khác lại ủng hộ hoặc tỏ vẻ băn khoăn không biết nên cho trẻ bao nhiêu tiền thì được. Và nhiều người càng không biết nên bắt đầu cho trẻ giữ tiền từ độ tuổi nào là hợp lý

Chị Mộng Thuý, 36 tuổi, tiểu thương chợ Trần Hữu Trang, Tp.HCM có thói quen phát tiền mỗi ngày cho con. Cứ sáng sáng, trước khi đi học hoặc đi chơi với bạn bè, bé Tú Anh, 12 tuổi, con gái chị lại hào hứng nhận những tờ giấy bạc mới tinh và sạch sẽ từ mẹ. Ông xã chị Thuý thường tỏ ý không vui khi thấy vợ cho con gái xài tiền sớm như người lớn. Không ít lần anh bất bình ra mặt nhưng chị vẫn kiên quyết "giữ vững lập trường". Thế là, vợ chồng đôi khi cãi nhau chỉ vì vấn đề này.

Có nhiều ý kiến trái ngược về việc có nên cho con trẻ tiền tiêu xài hàng ngày

Cho con tiền để làm gì?
Nhiều bậc cha mẹ khẳng định ngay, nào là: "Để trẻ không cảm thấy mình là một cá thể luôn thua sút bạn bè đồng trang lứa", hoặc "Cho con chút tiền dằn túi cũng chẳng đáng là bao" hoặc "Nếu con trẻ không có khả năng tự mua những món nó yêu thích, nó sẽ có những cảm xúc mang tính tiêu cực"...

Trong khi đó, những bậc cha mẹ có ý kiến trái ngược lại cho biết, khi con còn ít tuổi, người lớn có trách nhiệm mua cho trẻ những gì trẻ cần. Tự bản thân trẻ không thể có sự lựa chọn đúng đắn, vì thế người lớn cần giải phóng trẻ ra khỏi trách nhiệm này. Ngoài ra, nếu thường xuyên cho trẻ tiền dằn túi, dù chỉ là một khoản tiền nhỏ, sẽ vô tình tiếp tay cho trẻ thói quen tiêu xài phung phí và không biết kiềm chế những mong muốn của mình.

Trường hợp nên và không nên
Bạn có thể cho trẻ tiền nếu như trẻ có thể hiểu được vấn đề của cha mẹ và hiểu rằng, để có tiền cần phải làm việc và điều này không phải dễ dàng với bất kỳ ai. Trẻ sẽ nhận thức được vì sao nó cần tiền và có thể trả lời cho bố mẹ biết trẻ sẽ tiêu tiền vào những việc gì.

Không nên cho trẻ tiền, nếu như trẻ không hình dung được cha mẹ làm việc ở đâu, như thế nào. Sự ngây thơ như vậy không chỉ có ở những đứa trẻ trong gia đình giàu có, vốn không quen tính tiền. Điều này cũng có khuynh hướng xảy ra ở những trẻ xuất thân từ những gia đình khó khăn, nhưng cha mẹ cố che đậy điều đó.

Những đứa trẻ như vậy thường không biết từ chối những mong ước nhỏ để đạt được những mục đích lớn. Thậm chí trẻ còn thích nói dối để những khoản tiền dằn túi dùng vào mục đích xấu. Hậu quả là trẻ tin rằng nó nhận được tiền mà không cần phải mất nhiều công sức.

Những nguyên tắc dành cho cha mẹ
Bạn không nên cho trẻ tiền tiêu vặt, trước khi trẻ đủ tuổi đến trường, vì ở độ tuổi còn nhỏ (mẫu giáo) trẻ cần đồ chơi thay vì cần tiền.

Đừng nhượng bộ trước hành động ăn vạ của trẻ để vòi tiền. Khi bắt đầu có nhận thức, trẻ sẽ nghĩ rằng chỉ cần gây sức ép với bố mẹ là sẽ có tiền ngay.

Không nên từ chối trẻ một cách thô thiển. Hãy giải thích lý do tại sao bạn chưa thể cho con tiền dằn túi và làm thế nào để nhận được tiền.

Cần phải cho trẻ hiểu rằng bố mẹ phải làm việc vất vả mới có tiền và dạy cho trẻ cách tiêu tiền sao cho hợp lý và tiết kiệm.

Tuyệt đối tránh dùng tiền dằn túi để thoát khỏi sự quan tâm cần có đối với con cái. Chẳng hạn như một bà mẹ doanh nhân bận rộn thường áp dụng biện pháp này khi không muốn mất nhiều thời gian vào việc giáo dục con cái.

Khi con cái được điểm cao ở lớp, cha mẹ thường dùng tiền bạc để khen thưởng và ngược lại, khi trẻ bị điểm xấu không được thưởng tiền hoặc bị "truy thu" lại. Sau một thời gian, tính cách của trẻ sẽ phát triển theo chiều hướng tiêu cực. Điều này là hoàn toàn không nên.

Theo Tin Tức