Không bao giờ là quá sớm để hướng con bạn quan tâm đến sách. Nhưng với những trẻ mới chập chững thì không cần phải ép chúng đọc những sách cơ bản, ngay cả khi chúng đã hết tuổi mẫu giáo. Nhiều phụ huynh thường mong muốn thúc ép con học theo sách vở quá nhiều, quá nhanh và quá sớm. Thật ra, với trẻ em học hỏi tốt nhất là qua những trò chơi. Hãy khiến cho việc đọc trở thành điều thích thú đối với trẻ.
Có rất nhiều phương thức vui nhộn và thích hợp để giúp trẻ học cách yêu sách và truyện. Và ngạc nhiên thay, tất cả những cách ấy đều hề không liên hệ đến việc ngồi xuống đọc một cuốn sách cụ thể.
Hãy để bé tự khám phá sở thích với những quyển sách do bé tự chọn. Ảnh: Images
Sử dụng sách để kết nối
"Nó không liên quan đến việc đọc từ", theo Lauderdale. Ở lứa tuổi này, bé đang học cách yêu mến sự tương tác với mẹ, bố hay người trông nom. "Do đó, khi con ngồi vào lòng bạn lúc bạn đang đọc to, bé cũng tận hưởng sự an toàn từ sự quan tâm trọn vẹn của bạn".
Thiết lập một cách thức
Một khoảng thời gian đọc sách đều đặn mỗi ngày sẽ thiết lập được sự yêu mến thời gian thư thái yên bình ở trẻ nhỏ - đó là lý do tại sao những giờ đọc truyện trước lúc đi ngủ là một truyền thống tốt. Nhưng cũng có những sự kiện hàng ngày khác đem đến cơ hội tốt cho việc đọc sách, đó là lúc điểm tâm, trong bồn tắm hay khi đón bé về từ nhà trẻ. Một vài trẻ đi chập chững (và những trẻ lớn hơn) - vốn là những trẻ ngủ nhiều - có khả năng đối diện với ngày mới tốt hơn rất nhiều khi cha mẹ "đọc để đánh thức" hơn là thúc ép chúng ra khỏi giường.
Chọn những cuốn sách thích hợp
Những trẻ đi chập chững thích sách bìa cứng, sách không thấm nước, và sách dựng hình - bất kì loại gì mà chúng có thể dễ nắm giữ hay tự lôi kéo được. Chúng thích những câu chuyện có kèm theo những bức tranh tươi sáng, rõ nét dễ hiểu và đơn giản. Và dĩ nhiên chúng yêu cả những câu thơ. Điều đó không có nghĩa rằng đứa con 2 tuổi của bạn không thích hợp với những câu chuyện mà anh lớn của bé chọn - ai mà biết được, Rocks and Minerals (Các loại đá và khoáng sản) cuối cùng lại có thể trở thành cuốn sách yêu thích của bé con.
Dù tuổi của hai bé con nhà bạn cách biệt nhau, nhưng biết đâu chúng có thể cùng yêu thích một cuốn sách! Ảnh: Images
Kể đi để lại
Bạn sẽ ngáp dài nếu đọc "Dế mèn phiêu lưu ký" mỗi đêm suốt cả tháng mà con của bạn vẫn muốn nghe nó lại lần nữa. Sự lặp lại là một bước ngoặt trong độ tuổi đi chập chững. Theo Leiderman: "Lý do mà trẻ thích đọc những câu chuyện giống nhau hết lần này đến lần khác là vì chúng rất khao khát học biết". Bạn sẽ sớm nhận thấy rằng bé con của mình đã ghi nhớ những đoạn văn mà chúng yêu thích và thích thú tự đưa ra những cụm từ chính - cả hai đều là những dấu hiệu của việc tăng trưởng và sự sẵn sàng để học đọc.
Đóng kịch (hay đọc một cách cường điệu)
Đừng khô cứng quá khi bạn đọc cho con trẻ nghe. Gầm gừ giống một con gấu bố, ục ục như một chú Heo con hay kêu quàng quạc như lũ vịt... Trẻ cũng thích kịch như người lớn vậy, do vậy, bé con của bạn cũng có thể muốn giả bộ làm những con vật mà bé thích thú trong truyện. Hãy ủng hộ bé, cho dù điều đó làm chậm diễn biến câu chuyện. Bé sẽ thu nhận được nhiều điều hơn cả câu chuyện đơn thuần khi bé cùng góp phần một cách tích cực.
Hướng theo những sở thích của trẻ
Hãy chọn những cuốn sách nói về các hoạt động mà bé yêu thích - như đi sở thú, đi bơi, chơi bóng. Hãy ủng hộ con những cuốn sách về nhân vật mà chúng yêu thích trên video hoặc các chương trình TV. Bạn có thể sẽ bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của Teletubbies, nhưng nếu con bạn yêu những sinh vật nhỏ bé tốt bụng, bé cũng sẽ thích những sách kể các sinh vật này. Hãy để trẻ dẫn dắt, nhưng hãy làm thử nghiệm với nhiều loại sách khác nhau trước khi bạn quả quyết rằng bạn biết chính xác là con thích loại nào. Bạn có thể ngạc nhiên rằng con gái bé bỏng thích diện quần áo và búp bê của mình cũng có thể là một người luôn muốn nghe hoài những câu chuyện có các nhân vật to lớn, rùng rợn.
Đi thư viện
Các bé thậm chí còn thích những giờ đọc truyện trong thư viện, và đó là những cuộc phiêu lưu kỳ diệu đối với trẻ. Con bạn có thể khám phá một niềm thích thú mới khi được tiếp xúc một quản thư kể chuyện cuốn hút với giọng đọc mượt mà và có thể có vài bức tranh hay con rối minh họa hành động. Và dĩ nhiên, thư viện cũng tạo điều kiện cho bố mẹ và bé thưởng thức vô số những câu chuyện mà không phải tốn một khoản tiền lớn.
Hoạt động tương tác
Nhiều quyển sách tuyệt vời có sẵn trong cassette hay CD. Con bạn có thể không quan tâm đến chúng bởi những gì chúng thật sự thích về những quyển sách là sự tương tác với bạn, bác sĩ nhi khoa Laura Jana, huấn luyện viên cho chương trình Reach Out and Read (Tiếp xúc và đọc hiểu?) nói. Nhưng nếu con bạn cố gắng thích chúng thì rất tốt. Bé có thể muốn ngồi xem sách tranh trong khi đang nghe băng, hoặc bạn có thể muốn mang theo sách tranh theo cho bé xem trong khi bạn và bé làm những việc khác nhau. Bạn cũng có thể tự thu âm những câu chuyện do bạn hoặc người thân hay bạn bè đọc. Nhưng hãy nhớ rằng, những câu chuyện được thu âm đó không thể nào thay thế được việc ngồi cùng bé, bác sĩ Jana khuyến cáo.
Đừng biến sách thành phần thưởng
Đừng bảo với con bạn rằng bé có thể được nghe một câu chuyện nếu bé ăn hết thức ăn trong bữa tối. Khi việc đọc có liên quan đến chế độ thưởng hay phạt, nó không phải là một trải nghiệm tích cực. Thay vào đó, hãy chọn những thời điểm đọc mang lại cảm giác tự nhiên, chẳng hạn khi bạn muốn con mình lắng xuống trước khi chợp mắt.
Đối phó với trẻ hay ngọ nguậy
Một vài trẻ thích ngọ nguậy sẽ không ngồi yên trong suốt câu chuyện. Bạn phải làm gì? "Hãy ngồi xuống và đọc lướt nhanh qua một đoạn ngắn nào đó trong 30 giây rồi nói "Ồ, chúng ta đọc hết cả cuốn sách này! Rồi để bé đi," Leiderman cho biết. Ngày tiếp theo bạn có thể thử một phần dài hơn chút xíu. Bà nói, "Một số trẻ sẽ luôn quan tâm đến các hoạt động cơ bắp hơn là đọc sách". "Hãy tôn trọng điều đó, và đừng để việc đọc sách trở thành một trải nghiệm tiêu cực".
Khiến việc kể chuyện trở thành một phần của cuộc sống
Theo Leiderman: "Phát huy thiện chí đọc sách hơn là đọc một cuốn sách truyền thống". Trong khi bạn đang ở bàn ăn tối hay trong xe, hãy kể những chuyện cổ tích, những giai thoại từ tuổi thơ của chính bạn, hay những câu chuyện tưởng tượng con bạn là nhân vật trung tâm. Hãy làm những cuốn sách từ những bức tranh hoặc những bức ảnh mà bé thích, hãy kể những câu chuyện về chúng và yêu cầu bé làm người tường thuật.
Khuyến khích trẻ tường thuật lại câu chuyện. Ảnh: Images
Chú ý vào từ ngữ ở khắp mọi nơi
Bất cứ nơi nào bạn đi, bạn có thể cho con bạn thấy rằng từ ngữ là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí những em bé mới chập chững còn học rất nhanh, ví dụ, những biển báo giao thông. Những mẫu nam châm có hình chữ cái đính trên mặt ngoài tủ lạnh. Nếu con bạn còn đi nhà trẻ hoặc học mẫu giáo, hãy kẹp những tờ ghi chú hằng ngày vào hộp thức ăn của trẻ. Thậm chí nếu bé không thể đọc từ "mèo", thì hãy viết từ đó trên một mẫu giấy có vẽ hoặc dán hình một con mèo dễ thương, cũng sẽ là một điểm lớn trong ngày của bé và sẽ khiến bé hứng thú quan tâm đến việc đọc. Nếu điều này dường như quá tham vọng, hãy thử vẽ một trái tim hay một gương mặt cười với câu rất đơn giản "Mẹ yêu con", điều này sẽ giúp con bạn cảm thấy hứng thú về ý nghĩa ẩn sau từ ngữ.
Trò chuyện
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard, trẻ em ở trong những gia đình nào hay chuyện trò trong giờ ăn tối thì giàu vốn từ hơn. Hãy nói chuyện với con và đừng ngần ngại sử dụng những từ hay cụm từ phức tạp. Hãy khuyến khích trẻ bằng những câu hỏi hay những lời giải thích. Trẻ chập chững tò mò và hiếu kỳ bất tận về thế giới, vì vậy đừng e ngại về việc thử cùng bé khám phá mối quan tâm của bé.
Hãy bày tỏ niềm yêu thích sách của bạn
Con bạn muốn bắt chước bạn. Nếu bé thấy sách ở quanh khắp nhà và biết rằng bạn muốn thư giãn với sách mỗi khi bạn có thời gian cho chính mình, bé sẽ học biết rằng sách quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày. Lấy niềm yêu thích đọc sách của bạn làm gương hiệu quả hơn là việc bắt trẻ ngồi hàng giờ nghe những câu chuyện khô cứng.
Theo Webtretho (lược dịch)