Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đối mặt với mệt mỏi đầu thai kỳ


Khi mới mang thai, bạn thường phải đối mặt với nhiều khó chịu, một trong số đó là cảm giác mệt mỏi.

Nguyên nhân

Thời gian đầu thai kỳ, cơ thể mẹ phải cố gắng thích ứng với sự thay đổi khi có bầu. Đó là các dấu hiệu như tăng khối lượng máu, khả năng vận chuyển máu nhanh hơn. Các lý do khác còn có:

- Progestoren tăng lên - loại hormone được coi là thuốc ngủ, có tác dụng ngăn chặn căng thẳng tự nhiên cho hệ thần kinh.

- Sự thay đổi cảm xúc khi mang bầu khiến không ít phụ nữ đột nhiên khóc không rõ lý do.

- Nếu bạn phải đối mặt với chứng nghén thì rõ ràng bạn sẽ nhanh bị kiệt sức. Nôn và buồn nôn sẽ khiến tình trạng mệt mỏi ở bạn xuống dốc. 

Cách khắc phục

Sự mệt mỏi của thai phụ có thể được điều trị bằng cách ngủ đủ giấc (khá nhiều thai phụ ngủ ít đi, mất ngủ từ khi nhận được "tin vui"). Trong phần lớn trường hợp, tình trạng mệt mỏi chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Dù các triệu chứng khác nhau nhưng hầu như tất cả thai phụ đều khỏe hơn ở đầu quý II.

Cảm giác mệt mỏi có thể tái diễn vào tháng thứ 7. Nguyên nhân là do trọng lượng thai nhi lớn lên, bạn bị mất ngủ bởi những cơn đau, thai đạp, chứng ợ nóng hoặc tiểu rắt.

Để tránh mệt, bạn cần đi ngủ sớm hơn bình thường; đồng thời, tranh thủ một giấc ngủ trưa ngắn hàng ngày. Ngay cả khi bạn chỉ chợp mắt khoảng 15 phút buổi trưa, bạn cũng đủ khỏe mạnh cho một ngày làm việc.

Một chế độ dinh dưỡng đúng và lịch luyện tập phù hợp cũng có ích cho bạn.

Nếu tình trạng mệt mỏi trầm trọng hơn ở quý II, bạn cần đi khám. Một số trường hợp, dấu hiệu mệt mỏi kéo dài trong toàn bộ thai kỳ nhưng bạn cần đi khám để loại trừ nguyên nhân gây mệt mỏi là trầm cảm. Nếu bị trầm cảm, bác sĩ sẽ có lời khuyên và cách điều trị hợp lý dành cho bạn.

Theo Mevabe