Kỳ 6: "Phố nhà trẻ" Công việc thường ngày của một bảo mẫu là chăm sóc bữa ăn cho các bé (ảnh minh họa) - Ảnh: L.TRANG Linh Trung có phố Đồng An Trường mầm non ĐA thành lập cùng cụm dân cư Đồng An nhưng sĩ số các lớp học tại đây thường không ổn định và thiếu chỉ tiêu vì nhiều công nhân gửi trẻ tại các nhóm trẻ gia đình để bớt tốn kém. B. cho biết mức thu của mỗi bé gửi tại Trường ĐA là 800.000 đồng/tháng trong khi gửi ở nhóm trẻ gia đình chỉ 350.000-500.000 đồng/tháng, thời gian gửi trẻ có thể linh động nếu phải tăng ca. Tôi và B. đến nhà bà S. - một "bảo mẫu tại gia" nổi tiếng trong khu chung cư ĐA. Bà S. nói năm nay 45 tuổi và đã có thâm niên giữ trẻ được năm năm từ khi khu dân cư ĐA chưa được xây dựng thành "phố công nhân" như bây giờ. Phải năn nỉ gần buổi chiều bà S. mới chịu nhận giữ giùm "con trai" 6 tháng tuổi của tôi với khoản học phí 700.000 đồng/tháng trong khi những bé khác chỉ 450.000 đồng/tháng vì đã biết ngồi, bò hay chập chững đi và chỉ giữ tới 5g chiều, không giữ tăng ca, nghỉ ngày chủ nhật. Bà S. còn dặn tôi phải nấu cháo hay bột bỏ vào phích mang theo để đến giờ bà chỉ việc bón cho bé ăn. Tôi tỏ vẻ ái ngại khi bà S. nói đang giữ bốn trẻ cũng từ 8 tháng tuổi đến 16 tháng tuổi trong căn phòng chỉ 20m2 vừa là nơi ở, bán hàng tạp hóa của gia đình bà. Bà S. khinh khỉnh đáp: "Tùy cô thôi! Ở đây người ta trông thế cả. Trẻ con thì ở bao nhiêu mà lo chật! Trước tôi còn giữ đến bảy, tám đứa kìa". Rồi để khẳng định cho việc "người ta cần nhiều chứ tôi cũng chả ham", bà S. liên tục giới thiệu cho tôi nhiều bà bảo mẫu khác trong khu ĐA để tham khảo nhưng không quên chê chỗ này một ít, chỗ kia một ít để so sánh với khả năng giữ trẻ của bà. Gần nhà bà S. là bà H. cũng nhận giữ trẻ. Thật ra phòng giữ trẻ tối thui, cả ngày phải bật điện của bà H. chỉ là nhà thuê. Chi phí giữ trẻ ở nhà bà H. rẻ hơn so với bà S. (khoảng 400.000 đồng/tháng) nhưng đa số công nhân ở khu dân cư Đồng An thích gửi trẻ ở nhà bà S. hơn vì được nhiều người giới thiệu là bà S. rất "mát tay" nuôi trẻ. Cuộc đua giành bảo mẫu Nhà trẻ BM trang trí sơ sài, chủ yếu là dãy bàn, ghế cho trẻ ngồi xếp vòng tròn để cô bảo mẫu tiện trông nom, cho ăn. Ngay trên đường Thống Nhất, ngoài các nhóm trẻ gia đình, tôi cũng thử tới các trường mầm non tư thục xin việc và trường nào cũng đồng ý nhận làm ngay với yêu cầu bổ sung bằng cấp sau, chỉ có điều lương thấp hơn người có bằng khoảng 200.000-300.000 đồng/tháng. Một số nhóm trẻ tại đây còn khuyến khích cô bảo mẫu bằng những khoản thưởng nho nhỏ từ 100.000-200.000 đồng vào các dịp lễ để giữ người. Nằm sâu trong con hẻm loằng ngoằng trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp là "nhà trẻ" của một "vú em cao cấp" chỉ nhận giữ một trẻ theo yêu cầu của ba mẹ bé với thù lao đặc biệt: 1,8 triệu đồng/tháng, chưa kể được bố mẹ bé bồi dưỡng khi bằng tiền, khi là quà cáp. Đó là chị V.A., một phụ nữ độc thân đã hơn 40 tuổi với nghề nghiệp chính là giữ trẻ từ khi 30 tuổi. Ngay trong hẻm này cũng có tới bốn người giữ trẻ như chị V.A., chỉ có điều họ nhận giữ từ bốn trẻ trở lên nhưng phải là bé được một, hai tuổi. Chị V.A. cũng rất "khoảnh" khi nhận giữ trẻ. Yêu cầu của chị là ba mẹ bé phải không khó chịu khi bé sơ suất bị trầy xước hay sút cân vì ốm. Với kinh nghiệm cả dân gian lẫn một số kiến thức về y tế và chịu khó, chị V.A. khiến phụ huynh hài lòng nên tháng nào cũng có người tới nhờ chị chăm con giùm. Tìm hiểu, tôi chợt nhận ra chị V.A. rất yêu trẻ khi nhìn chị chăm bé trai tại nhà. Có thể với một phụ nữ độc thân như chị, tình yêu trẻ mạnh mẽ hơn cả số thù lao hằng tháng chị có thể nhận. Đó có phải là lý do mà mỗi tháng chị V.A. chỉ nhận giữ một bé để có thể chăm sóc bé tốt nhất, thay vì tăng khoản tiền kiếm được gấp nhiều lần nếu nhận thêm trẻ?
Theo tuổi Trẻ
|